0985.583.246

Facebook có thực sự nghe lén người dùng?

facebook nghe len

Facebook có thực sự nghe lén người dùng?

Nhiều người tin điện thoại của họ bị Facebook nghe lén khi thấy mạng xã hội hiển thị quảng cáo về món đồ họ mới trao đổi với bạn bè.

Sau khi nói chuyện với đồng nghiệp về mẫu máy lọc không khí mới, Đào Tuấn, kỹ sư xây dựng ở Hà Nội, cho biết Facebook của anh xuất hiện quảng cáo liên quan đến thiết bị này. Tương tự, Minh Anh, nhân viên văn phòng ở TP HCM, kể trong một lần ăn trưa, nhóm của cô nhắc đến một đồng nghiệp vừa có bạn gái mới. Đến chiều, trang Facebook cá nhân của cô gái kia đã được gợi ý trong mục “Những người bạn có thể biết”.

Cả Tuấn và Minh Anh đều nghi ngờ mạng xã hội đã theo dõi các đoạn hội thoại để chạy quảng cáo hướng mục tiêu. Trong khảo sát từ ngày 6/5 trên VnExpress, có đến 96% trong số 5.600 người tham gia cho rằng Facebook nghe lén và chỉ 4% chưa từng có giảm giác này.

Thử nghiệm thực tế

Phóng viên đã dùng hai thiết bị di động, đăng nhập hai tài khoản Facebook khác nhau và sử dụng song song để kiểm chứng. Chiếc điện thoại chính thực hiện các tác vụ như tìm kiếm, định vị, có sẵn nhiều thông tin cá nhân. Thiết bị thứ hai chỉ đăng nhập một tài khoản Facebook khác và không truy cập dịch vụ nào.

Trong hai ngày thử nghiệm và đặt hai máy cạnh nhau, phóng viên liên tục trao đổi với bạn bè về xu hướng mua micro để livestream hiện nay, cũng như tham khảo giá một số mẫu trên các website bằng điện thoại chính. Tài khoản trên điện thoại này sau đó gợi ý hàng loạt quảng cáo đúng với nhu cầu. Còn thiết bị chỉ đăng nhập Facebook có các quảng cáo khá ngẫu nhiên về thời trang, nhà hàng, du lịch.

Một quảng cáo micro thu âm được đề xuất cho người dùng Facebook. Ảnh: Khương Nha

Một quảng cáo micro thu âm được đề xuất cho người dùng Facebook. Ảnh: Khương Nha

Tương tự, hồi tháng 4, phóng viên công nghệ của Daily Mail sử dụng điện thoại Samsung đã khôi phục cài đặt gốc và truy cập tài khoản Facebook mới lập. Sau hai ngày nói chuyện và thường xuyên nhắc đến các từ khóa về kỳ nghỉ châu Âu hay keo dán sàn, vẫn không có đề xuất quảng cáo đúng nào được đưa ra.

Trong một thử nghiệm khác của công ty bảo mật di động Wandera năm 2019, hai smartphone của Samsung và Apple được đặt trong một phòng kín, sau đó bật đoạn các hội thoại về thức ăn cho thú cưng khoảng 30 phút mỗi ngày. Tuy nhiên ba ngày trôi qua, họ không nhận về bất kỳ quảng cáo liên quan. Trên hai thiết bị cũng không có dấu hiệu nào về việc thiết bị tự động gửi dữ liệu lên đám mây. Wandera cho rằng tin đồn Facebook nghe lén người dùng là không có căn cứ.

Nghe lén để quảng cáo không khả thi

Theo các chuyên gia công nghệ, việc nghe lén cuộc nói chuyện khiến điện thoại phải thu nhận và gửi dữ liệu liên tục lên đám mây. Điều này yêu cầu thiết bị phải kết nối Internet, dễ gây nóng và cạn pin, ảnh hưởng đến những phần mềm khác. Việc nghe lén thường dùng cho các chương trình gián điệp, cài trên những máy nhất định, gần như không khả thi cho việc quảng cáo của mạng xã hội với hàng tỷ người dùng vì rất dễ bị phát hiện.

Trước đó, Wired lấy ví dụ về việc các nhà quảng cáo muốn có dữ liệu từ cuộc trò chuyện của người dùng Facebook trong nửa ngày. Mạng xã hội này sẽ cần ghi lại mọi thứ mà điện thoại nghe được, về mặt chức năng sẽ tương đương cuộc gọi thoại trên Facebook.

Trung bình cuộc gọi thoại qua Internet mất khoảng 24 kbps một chiều, hay 3 kB dữ liệu mỗi giây. Nếu nghe lén một người trong nửa này, Facebook sẽ tốn 130 MB dữ liệu. Chỉ tính riêng tại Mỹ, mỗi ngày Facebook có hơn 200 triệu người truy cập, nên mạng xã hội phải cần 26 petabyte để lưu trữ các đoạn ghi âm, tức lượng dữ liệu khổng lồ. Điều này được đánh giá không khả thi và tốn kém.

Ngay cả khi Facebook đủ hạ tầng để nghe lén, họ cũng khó xử lý thông tin từ những đoạn hội thoại ngẫu nhiên. Mỗi nhóm người, mỗi thị trường lại sử dụng ngôn ngữ riêng, có cách diễn đạt linh hoạt, đôi lúc chính con người còn không hiểu hết, chưa nói đến máy móc nhận diện.

“Ghi lại và gửi tất cả âm thanh từ hàng triệu triệu người dùng không phải là một nhiệm vụ tầm thường và chi phí để làm như vậy rất cao, chưa kể phần lớn thông tin là vô dụng”, chuyên gia an ninh mạng Jordan Schroeder tại công ty bảo mật Barrier Networks, nhận định trên Daily Mail hồi tháng 4.

Tuy nhiên, vẫn có một số lập luận rằng Facebook không ghi âm mà chỉ cần quét âm thanh để tìm ra các từ khóa đi vào micro trên thiết bị, tức nền tảng không cần tải dữ liệu liên tục lên đám mây. Nhưng Antonio Garcia-Martinez, cựu giám đốc sản phẩm của Facebook, cho rằng nền tảng có hàng triệu quảng cáo nhắm mục tiêu. Nếu dùng phương pháp này, bộ xử lý của điện thoại ngay lập tức bị quá tải và người dùng sẽ phát hiện ra. Ông nói cách này quá lộ liễu, gần như không thể che giấu.

Còn theo Business Insider, việc sử dụng hay kích hoạt micro khi chưa có sự cho phép của người dùng sẽ dễ bị các công ty bảo mật phát hiện và khiến Facebook phải chịu trách nhiệm pháp lý nặng nề, chứ không chỉ dừng lại ở việc nghi ngờ suốt nhiều năm. Mạng xã hội này đủ khôn ngoan để không “làm liều” trong khi có những giải pháp khác an toàn và hiệu quả hơn.

“Vũ khí” của Facebook

Jesse Pujji, nhà sáng lập công ty đầu tư Gateway X, cho rằng Facebook không cần dùng đến phương pháp nghe lén vốn tốn kém và rủi ro, mà sử dụng công cụ mạnh mẽ hơn có tên Facebook Pixel. “Đây là đoạn mã nhỏ mà gần như mọi trang web, ứng dụng dành cho thiết bị di động trên hành tinh này đều nhúng vào”, Pujji giải thích trên Twitter cuối năm ngoái.

Pixel là đoạn mã giúp doanh nghiệp đo lường về quảng cáo, lưu lượng truy cập trang web. Phần rất nhỏ này của mã JavaScript nhúng trong HTML của trang web giúp doanh nghiệp có thể theo dõi khách truy cập và quảng cáo nhắm mục tiêu.

Đoạn mã Facebook Pixel ngắn gọn nhưng có giá trị bậc nhất thế giới. Ảnh: Jonloomer

Đoạn mã Pixel Code ngắn gọn nhưng mang lại nhiều giá trị cho Facebook Ảnh: Jonloomer

Meta, công ty mẹ của Facebook, đã thương thảo với các doanh nghiệp để chia sẻ dữ liệu này. Đổi lại, họ cung cấp cho doanh nghiệp khả năng xem các truy vấn tìm kiếm của khách, giao dịch mua trước đây, lượt xem và các tính năng khác trên nền tảng.

Pujji gọi Pixel FB và News Feed là hai sản phẩm có giá trị bậc nhất của mạng xã hội. “Thuật toán News Feed của Facebook sử dụng hàng trăm điểm dữ liệu như tuổi tác, bạn bè, những gì người dùng nhấp vào và thậm chí vị trí họ đăng bài để xác định quảng cáo nào sẽ xuất hiện trong bảng tin”, ông nói.

Vì Meta sở hữu cả Instagram và Faebook và chia sẻ dữ liệu với nhiều website, quảng cáo sẽ “đeo bám” họ từ nền tảng này sang nền tảng khác. Pujji cho biết thuật toán của Facebook còn có thể tìm ra được một sản phẩm người dùng quan tâm thông qua những smartphone ở gần đó. Phần mềm sẽ truy cập dữ liệu hiển thị 10 trang web gần nhất mà một trong hai người đã dùng, sau đó dự đoán các chủ đề tiềm năng nhất mà cả hai có thể cùng thảo luận rồi gợi ý quảng cáo phù hợp. Đó là lý do nhiều người có cảm giác Facebook nghe lén cuộc nói chuyện của họ với người khác.

Trước những hoài nghi, trong phần giải đáp thắc mắc của người dùng, Facebook cũng đã chuẩn bị sẵn câu trả lời. “Chúng tôi hiểu đôi khi quảng cáo quá cụ thể khiến người dùng cho rằng Facebook nghe cuộc trò chuyện qua micro. Nhưng sự thật không phải vậy. Chúng tôi chỉ dùng micro khi bạn cho phép và đang chủ động sử dụng các tính năng cần micro. Chúng tôi cung cấp một số công cụ để người dùng chủ động điều chỉnh quảng cáo được hiển thị. Mỗi người đều có thể cài đặt hoặc gỡ quảng cáo không mong muốn”, Facebook giải thích.

Nếu vẫn chưa yên tâm, người dùng có thể tắt hoàn toàn quyền truy cập micro điện thoại của Facebook. Trên máy Android, vào Cài đặt > Quyền ứng dụng > Microphone > Facebook và chọn tắt. Trên thiết bị iOS, vào Cài đặt > Facebook > Micro và chọn tắt. Tại đây người dùng cũng có thể tắt các quyền truy cập khác như định vị, hình ảnh, camera… Tuy nhiên, việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm bởi mỗi khi cần thực hiện các tính năng như gọi, gửi voice chat, người dùng sẽ lại phải thêm bước kích hoạt lại micro cho ứng dụng.

Theo sohoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *