0985.583.246

Ba tháng tìm lại phong độ của đầu tàu TP HCM

screenshot 1712386971

Bị bào mòn sức khỏe từ Covid-19, kinh tế TP HCM vừa có quý I tích cực nhất 5 năm, bất chấp phải đối mặt hàng loạt thử thách.

Sau 2 năm khó khăn vì suy thoái kinh tế, lượng tôm mà Thủy sản Minh Phú bán ra ở thị trường nội địa vào quý I đã tăng trưởng dương so với cùng kỳ 2023. Nhờ Mỹ và EU tăng mua trở lại mà kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu cũng tăng 30%.

Với khởi đầu thuận lợi, “vua tôm” Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm CEO Thủy sản Minh Phú, cho biết công ty đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu trên 50% nhưng vẫn phấn đấu tăng trên 70% so với 2023.

“Năm nay, ngoài tập trung mạnh tại thị trường nội địa, chúng tôi cũng đang tìm kiếm thêm cơ hội ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand”, ông nêu kế hoạch triển khai.

Không chỉ doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu, lãnh đạo một doanh nghiệp bán lẻ lớn ở TP HCM cho hay, sức mua của người tiêu dùng trong quý I tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng thực phẩm tươi sống và tiêu dùng nhanh tăng vượt trội 30-40%. “Số tiền mua hàng bình quân trên mỗi hóa đơn của khách hàng đã tăng thêm 5-10%”, người này cho hay.

%Tăng trưởng GRDP TPHCM quý IGiai đoạn 2020 – 20240.420.424.584.581.881.880.70.76.546.542020202120222023202402468VnExpress | Cục Thống kê TP HCM2021● Tăng trưởng: 4.58

Con tôm rộng đầu ra hay giỏ hàng tăng giá trị là vài ví dụ trong bức tranh khởi sắc đầu năm của TP HCM. Là đầu tàu kinh tế đất nước, nơi đây có quý khởi động suôn sẻ với tăng trưởng GRDP 6,54% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất 5 năm và tương phản với con số khiêm tốn 0,7% hồi quý I/2023.

Vì sao GRDP bật tăng?

“Dựa trên những gì chúng ta đang có mà quý I tăng trưởng vậy là điều tuyệt vời”, Chuyên gia kinh tế, PGS TS Trần Hoàng Ngân nhận xét tại phiên họp tổng kết tình hình kinh tế – xã hội của TP HCM chiều 2/4. “Những gì đang có” mà ông Ngân đề cập chính là những tổn thất do đại dịch gây ra, kết hợp với những cơn gió ngược của tình hình vĩ mô toàn cầu trong 2 năm gần đây.

Về mặt số liệu, các chuyên gia thừa nhận do quý I năm ngoái kinh tế TP HCM khá yếu nên đã tạo mức nền so sánh thấp. Khi hoạt động kinh doanh đầu 2024 cải thiện thì tạo ra kết quả tăng trưởng tương đối cao.

Nhưng điều này cũng không thể phủ nhận bước tiến cụ thể trong các trụ cột kinh tế. Thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng 65,6% trong GRDP và đã đóng góp đến 4,68 điểm phần trăm, tương đương 71,6% vào tăng trưởng quý I.

Bữa cơm Tết Nguyên đán 2024 của người dân “có thịt” hơn năm trước, phản ánh qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2%. Trong đó, bán lẻ tăng gần 8% còn các lĩnh vực khác như lưu trú, ăn uống, buôn bán bất động sản đều tăng hai con số.

Trong khi đó, công nghiệp – chiếm 18% nền kinh tế và là điểm lo từ sau dịch – cũng có tín hiệu phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý rồi tăng 5,1%, cao nhất trong 4 năm gần đây. Điều này kéo theo xuất khẩu tăng 7,5%, ước đạt 10,1 tỷ USD. Nhập khẩu cũng tăng nhẹ, là chỉ báo cho thấy sản xuất và xuất khẩu sẽ tiếp tục có hy vọng khi nhu cầu đầu vào của các doanh nghiệp tăng.

%Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) TP HCMGiai đoạn 2021 – 20244.14.144-0.8-0.85.15.12021202220232024-20246VnExpress | Cục Thống kê TP HCM

Đằng sau khởi sắc chung của 3 tháng đầu năm, PGS.TS Trần Hoàng Ngân lưu ý 3 lý do. Đầu tiên là thể chế. Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù đã giúp địa phương tháo gỡ một số khó khăn và nhận chia sẻ nhiều hơn của trung ương, quốc hội, chính phủ. Thời gian qua, TP HCM đã ban hành tổng cộng 30 chính sách, chương trình hành động để triển khai nghị quyết này.

Cùng với đó, đầu tư công đã chạy rất nhanh trong 2 năm qua. Bình quân giai đoạn 2011-2022, mỗi năm thành phố chỉ giải ngân 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư công nhưng năm 2023 gần 48.000 tỷ đồng. Chỉ trong quý I, 9.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được bơm ra – bao gồm vốn kế hoạch cuối năm cũ và vốn mới. “Khối lượng vốn lớn này hỗ trợ tăng trưởng và giải quyết điểm nghẽn hạ tầng”, ông Ngân nói.

Ngoài ra, nguồn nhân lực chất lượng cao đang tăng nhờ ngày càng quy tụ được nhiều chuyên gia, nhà khoa học, kiều bào trở về. Nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng chọn TP HCM là điểm đến và bộ máy nhân sự của cơ quan công quyền cũng có nỗ lực đáng kể, theo chuyên gia.

Đường tăng trưởng gập ghềnh

Xác nhận sức mua tăng trưởng trở lại, nhưng CEO chuỗi bán lẻ nói người tiêu dùng vẫn chịu áp lực về giá. “Nhiều doanh nghiệp đang ‘thắt lưng buộc bụng’ cân đối chi phí, dự kiến điều chỉnh giá trong quý II nên doanh số bán lẻ có thể sẽ chậm lại”, người này nói. Cục Thống kê TP HCM cũng nhận ra xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng vẫn đang là thách thức lớn cho các đơn vị kinh doanh.

Trong quý I, các đơn hàng cũng không đến với tất cả nhà sản xuất. Ba tháng qua, Chỉ số sản xuất công nghiệp của hóa dược, cơ khí, chế biến lương thực – thực phẩm tăng nhưng điện tử, dệt may, giày dép vẫn giảm. Khảo sát xu hướng kinh doanh ngành chế biến, chế tạo của Cục Thống kê cho biết vẫn còn 36,6% doanh nghiệp chật vật. Dự báo tình hình quý II, 35% cho là tốt hơn, 40% ổn định và 24% khó khăn hơn.

Môi trường kinh doanh trên địa bàn cũng chưa cải thiện đáng kể. Trong quý I, cứ một doanh nghiệp mới tham gia thị trường lại có một doanh nghiệp rút lui, tức tỷ lệ 1/1. Dư nợ tín dụng chỉ tăng 8%. Thu hút FDI giảm 7,6% về quy mô.

Tại phiên họp chiều 2/4, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi lưu ý tăng trưởng tín dụng và tác động lãi suất giảm đến phục hồi tăng trưởng chưa cao, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cũng cao so với cùng kỳ và thị trường bất động sản chưa phục hồi tốt. “Tất cả cho thấy sức khỏe chung chưa phục hồi mạnh mẽ, do đó nhiệm vụ quý II rất nặng”, ông Mãi nói.

Trung tâm TP HCM, tháng 7/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Trung tâm TP HCM, tháng 7/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Năm 2024, TP HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5-8%. “Nếu chúng ta giữ được đà quý I trong các quý còn lại thì mới có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng năm. Câu hỏi là làm sao giữ được đà này?”, ông Mãi đặt vấn đề.

Theo các chuyên gia, việc tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng cao sẽ ngày càng khó khi mức nền so sánh năm trước cũng tăng theo các quý. Trong bối cảnh tình hình địa chính trị vùng Trung Đông, Nga – Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp và một số động lực tăng trưởng toàn cầu chậm cải thiện thì thương mại dịch vụ vẫn là chỗ dựa hàng đầu.

Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cảnh báo quy mô chi tiêu của người dân vẫn giảm nên cần kéo dài thời gian tổ chức khuyến mại tập trung. Vào 2023, TP HCM tổ chức 2 đợt, mỗi đợt 3 tháng. Về dài hạn, cơ quan này vừa nhận nhiệm vụ lập đề án xây dựng TP HCM trở thành “Trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị tăng cao”.

Nỗ lực kích cầu cho thương mại dịch vụ không dừng lại ở khuyến mại. Ông Phan Văn Mãi đặc biệt quan tâm đến giải pháp phát triển kinh tế sự kiện của TP HCM. Đầu năm đến nay, địa phương này tổ chức hàng loạt sự kiện dịp Tết Dương lịch, Nguyên đán, Lễ hội Áo dài, Hội báo Toàn quốc. Tại khu vực trung tâm quận 1, trên các trục đường như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Bến Bạch Đằng thường xuyên có các hoạt động sự kiện diễn ra.

Chúng được cho là đã góp phần giúp ngành du lịch bật tăng với doanh thu dịch vụ lữ hành tăng mạnh đến gần 60% và tổng doanh thu du lịch tăng 23,8% trong quý I. “Ngành du lịch quý II dự báo còn khả quan hơn”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM nói.

Trong cuộc hợp chiều 2/4, ông Mãi đốc thúc Sở Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao sớm công bố lịch sự kiện cả năm cho thành phố để các bên chủ động phối hợp nhằm dồn lực kích cầu, hút khách. “Kinh tế sự kiện phải rõ nét, đánh giá được tác động. Thành phố đang phối hợp với công ty tư vấn quốc tế đo lường để đánh giá hiệu quả các sự kiện của chúng ta”, ông Mãi cho hay.

Nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ ngày 27/2. Ảnh: Thanh Tùng

Nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ ngày 27/2. Ảnh: Thanh Tùng

“Át chủ bài” thứ hai là đầu tư công. Dòng vốn mồi này vừa kích thích chuỗi cung ứng ngành xây dựng, vừa gia tăng thu nhập cho người nhân, doanh nghiệp thông qua cơ hội việc làm, lại cải thiện điểm nghẽn hạ tầng, logistics, khơi thông mạch máu luân chuyển con người, hàng hóa.

Nhưng để đạt mục tiêu giải ngân, mỗi tháng thành phố cần bơm được ra 8.000 tỷ. Ông Mãi thừa nhận đây là nhiệm vụ “rất nặng nề”, đòi hỏi phối hợp đồng bộ tất cả các bên liên quan để đạt được. “Đầu tư công vẫn cần tập trung nhiều hơn nữa dù đã họp gần như hàng tuần, từ chủ đầu tư, sở ngành quận huyện và các nhà thầu”, Chủ tịch UBND TP HCM cho hay.

Chiều 2/4, ông Mãi ra hạn các quận huyện giải chi xong vốn giải phóng mặt bằng trong quý II để khởi công dự án mới ngay quý III. Năm nay, địa phương sẽ tăng tốc làm đường Vành đai 3, nút giao thông An Phú, mở rộng Quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, nút giao thông Mỹ Thủ.

Đồng thời, thành phố sẽ hoàn tất thủ tục đầu tư Vành đai 2 (đoạn 1 và đoạn 2), Vành đai 4; Cao tốc TP HCM – Mộc Bài, mở rộng cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ.

PGS. TS Trần Hoàng Ngân cho biết trước đây GRDP TP HCM tăng trưởng khoảng 7,6-8% trong quý I hàng năm. Với loạt nỗ lực, ông cho rằng đầu tàu có khả năng lấy lại phong độ nhưng cần thời gian.

“Chúng ta đã chạy quá nhiều, khai thác hết công suất, tàn phá sức khỏe trong khi ngân sách không được giữ lại nhiều. Để phục hồi như xưa, cần độ trễ và phải tận dụng Nghị quyết 98, ưu tiên đầu tư công, tập trung các mô hình như TOD (phát triển đô thị theo các trục giao thông như tàu điện), PPP (hợp tác công tư)”, ông Ngân nói.

Theo VN Express.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *