Sáng 12/3, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan với phần đặt câu hỏi của các luật sư.
Xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát: Cáo trạng áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo
Tin tức TV: Xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB; giá vàng lập đỉnh mới
Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan – cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là người đầu tiên tham gia xét hỏi. Ông Phan Trung Hoài đã đặt câu hỏi đối với các bị cáo là cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB nhằm làm rõ vai trò của Trương Mỹ Lan tại Ngân hàng SCB, mối quan hệ giữa Trương Mỹ Lan và các bị cáo này.
Về tầm ảnh hưởng của Trương Mỹ Lan tại SCB, Bùi Anh Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB khai, Trương Mỹ Lan thường mở các cuộc họp với sự tham dự của Dũng cùng Trương Khánh Hoàng ( khi đó giữ Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Trần Thị Mỹ Dung ( khi đó là Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) để bàn về công việc tại ngân hàng. Bùi Anh Dũng thừa nhận, trong thời gian làm việc tại SCB, tất cả vấn đề từ kinh doanh đến nhân sự, mình đều xin ý kiến Trương Mỹ Lan. Theo bị cáo Dũng, Trương Mỹ Lan là người kinh doanh giỏi và được nhiều người kính nể trên thương trường.
Lý giải về vai trò của mình tại Ngân hàng SCB, Bùi Anh Dũng cho hay, bản thân có xuất phát điểm từ nhân viên của Ngân hàng nên đến khi làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Dũng chỉ nghĩ mình như những nhân viên khác, đi làm thuê cho ngân hàng.
Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB khai, bản thân bắt đầu làm việc tại Ngân hàng SCB từ tháng 5/2010 đến tháng 9/2022 với cương vị Phó Tổng Giám đốc, có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc phê duyệt cấp tín dụng đối với khoản cấp tín dụng thuộc thẩm quyền của mình. Dung cho biết, trên hồ sơ pháp lý, Dung được Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB tiến cử làm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, trên thực tế, việc bổ nhiệm Dung là do Trương Mỹ Lan quyết định.
Dung thừa nhận, thường xuyên gặp và trao đổi công việc với Trương Mỹ Lan trong thời gian làm việc tại SCB. Bên cạnh đó, Dung còn nhận chỉ đạo trực tiếp từ Lan để truyền đạt, chỉ đạo các thành viên tại Ngân hàng SCB hợp thức hồ sơ khống, giải ngân để rút tiền cho Lan sử dụng. Dung thừa nhận biết việc Trương Mỹ Lan đưa tài sản của mình vào SCB để tái cơ cấu ngân hàng. Trong đó, giai đoạn bắt đầu từ năm 2012, Trương Mỹ Lan có đưa một số tài sản như: Tòa nhà Saigon Times Square, Chợ Vải, Khách sạn Windsor vào tái cơ cấu để làm phương án vay mới, nguồn tiền để trả nợ cho các khoản vay cũ. Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, Dung không thấy Trương Mỹ Lan đưa tài sản vào để tái cơ cấu SCB.
Nói về các khoản vay của nhóm Công ty Dầu khí Đông Phương (khoảng 35 công ty), Trần Thị Mỹ Dung cho biết, về mặt hồ sơ, các khoản vay này không sai nhưng về bản chất lại không đúng. Ví dụ như: một hợp đồng vay là để thu mua lúa gạo, cà phê, thông tin về phương án vay vốn, công ty vay vốn hoạt động trong lĩnh vực nông sản là đúng nhưng dòng tiền giải ngân ra lại chuyển cho Trương Mỹ Lan. Dung không biết, Trương Mỹ Lan chiếm bao nhiêu cổ phần tại SCB nhưng biết gia đình Lan nắm giữ khoảng 15% cổ phần. Về sở hữu cổ phần của các cá nhân và pháp nhân nước ngoài, Dung khai không biết.
Tương tự, bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) cho biết, Trương Mỹ Lan là người đề cử mình lên làm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng vào tháng 5/2021. Trước khi làm việc ở SCB, Hoàng từng làm ở các công ty, tập đoàn bất động sản; sau đó, thông qua Nguyễn Phương Hồng gặp và được Trương Mỹ Lan bổ nhiệm làm lãnh đạo Ngân hàng SCB.
Bị cáo Hoàng khai, dưới góc nhìn của mình, Trương Mỹ Lan là “người đỡ đầu” của Ngân hàng SCB, đa phần các tài sản thuộc quyền quản lý của Lan. Lan là người quyết định, điều hành hoạt động của SCB. Việc bổ nhiệm lãnh đạo SCB thuộc thẩm quyền của Hội đồng Quản trị nhưng Trương Mỹ Lan là người đề bạt, bổ nhiệm các vị trí cấp cao ở SCB. Ngoài ra, việc tái cơ cấu các khoản nợ của SCB đa phần thuộc về nhóm của Trương Mỹ Lan.
Theo cáo trạng, Trương Mỹ Lan đã tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của SCB; trong đó có hoạt động cho vay. Từ trước thời điểm hợp nhất, Lan đã sở hữu phần lớn cổ phần của 3 ngân hàng. Sau khi hợp nhất, Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,6% cổ phần của SCB; đồng thời, tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên cổ phần SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên 91,54% vào ngày 1/1/2018.
Tính đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan đã sở hữu, chi phối gần 1,4 tỷ cổ phần SCB, chiếm 91,53% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân (trong và ngoài nước), cá nhân đứng tên giúp; trong đó, Trương Mỹ Lan trực tiếp đứng tên sở hữu hơn 75 triệu cổ phần, chiếm 4,98% vốn điều lệ. Tổng nguồn vốn của SCB theo sổ sách kế toán ngày 17/10/2022 (thời điểm khởi tố vụ án) là hơn 700.000 tỷ đồng gồm số vốn huy động, vốn chủ sở hữu và nghĩa vụ Ngân hàng SCB phải trả nhưng chưa chi trả như: Các khoản lãi, phí phải trả; các khoản phải trả và công nợ khác là gần 19.000 tỷ đồng.
Theo Thông tấn xã Việt Nam.