0985.583.246

Tranh cãi khách mời mặc đẹp hơn cô dâu

screenshot 1716862049

Mặc áo dài trắng, đầu đội mấn và trang điểm cầu kỳ đến đám hỏi khiến Minh Anh nổi bật hơn cả cô dâu.

Cô gái 25 tuổi ở Hải Phòng là bạn thân của chú rể. Nghĩ cô dâu mặc áo dài đỏ trong đám hỏi, Minh Anh chọn áo dài trắng được thiết kế riêng, mang thêm một số phụ kiện tạo điểm nhấn. Nhưng cô không ngờ khi đến nhà gái lại thấy cô dâu cũng mặc áo dài trắng, trang điểm nhẹ nhàng.

Chiều cao nổi bật, phong cách trang điểm đậm cùng trang phục có phần cầu kỳ khiến nhiều người lầm tưởng Minh Anh là cô dâu. Không ít người còn khen cô và chú rể đứng cạnh nhau rất xứng đôi, trong khi cô dâu bên cạnh lại bị nhầm thành bạn bè đến chúc phúc. Điều này khiến bạn bè và người thân bên nhà gái tỏ thái độ khó chịu.

“Đành kệ thôi bởi cô dâu, chú rể đâu quy định khách mời phải mặc trang phục gì. Đám cưới mà mặc đồ nhạt nhòa là lỗi của nhân vật chính, đâu phải lỗi của tôi”, Minh Anh nói.

Bức hình chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người bất ngờ khi cô dâu (mặc áo màu đỏ) có phần giản dị hơn người em họ (mặc áo dài trắng) trong ngày cưới năm 2023. Ảnh: Trâm Phạm makeup

Bức hình chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người bất ngờ khi cô dâu (mặc áo dài màu đỏ) có phần giản dị hơn người em họ (mặc áo dài trắng) trong ngày cưới năm 2023. Ảnh: Trâm Phạm makeup

Cuối năm ngoái, Thanh Hà, 28 tuổi, cũng được mời đến đám cưới bạn cấp ba. Để tạo ấn tượng với mọi người xung quanh, cô gái quê Thái Bình đặt mua chiếc váy đi tiệc màu đen, giá 2 triệu đồng, chưa tính tiền thuê trang điểm, làm tóc.

Hà giải thích việc đầu tư nhiều tiền cho đám cưới là vì muốn bản thân chỉn chu khi gặp bạn bè, tạo ấn tượng với người mình thầm thích. Nhưng cô gái 28 tuổi không nghĩ khi chụp ảnh cùng cô dâu, trang phục của mình có phần nổi bật hơn. Không ít người đến đám cưới cũng nói bóng gió, cho rằng cô cố tình khiến bản thân nổi bật, không nghĩ đến cảm nhận của cô dâu.

Nhưng Thanh Hà không có ý định đổi trang phục bởi bản thân thấy đẹp và tự tin.

Không chỉ Minh Anh và Thanh Hà, nhiều bài viết, video chia sẻ lên mạng xã hội hình ảnh khách mời nữ mặc đồ nổi bật hơn cô dâu nhận hàng chục nghìn lượt yêu thích và bình luận, đa phần đều bày tỏ sự bức xúc, khó chịu thay cô dâu, chú rể. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng mặc đẹp là để tôn trọng người nhìn, muốn khách mời không nổi bật hơn, cô dâu và chú rể cần có những yêu cầu về trang phục từ lúc gửi thiệp mời.

Mới nhất là ngày 20/5, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh một cô gái đi đám cưới bạn thân nhưng lại mặc váy xòe nhiều tầng, tóc búi cao, tay cầm hoa và chụp ảnh cùng chú rể khiến nhiều người lầm tưởng là cô dâu. Đoạn video cô gái thanh minh lý do lựa chọn trang phục có phần giống cô dâu của người này thu hút hơn một triệu lượt xem cùng hàng chục nghìn bình luận.

“Chọn trang phục đẹp đi tiệc là để tôn trọng cô dâu, chú rể nhưng cũng không nên nổi trội hơn nhân vật chính. Từ mặc đẹp lại thành phản cảm, xấu xí”, người dùng mạng tên Hà Phượng viết.

Bức hình cô gái mặc váy màu be chụp cùng chú rể (ngoài cùng bên phải) hôm 10/5 khiến nhiều người lầm tưởng là cô dâu. Ảnh: C.T

Bức hình cô gái mặc váy màu be chụp cùng chú rể (ngoài cùng bên phải) hôm 10/5 khiến nhiều người lầm tưởng là cô dâu. Ảnh: C.T

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên phó Viện Văn hóa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết trong văn hóa truyền thống không có quy tắc về cách mặc đồ khi dự tiệc cưới. Nhưng khách mời nên mặc đồ chỉn chu, không chỉ làm đẹp cho mình mà còn khiến cô dâu và chú rể thấy tự hào, hãnh diện.

Theo chuyên gia văn hóa không ai cấm việc mặc đẹp nhưng cần mặc hài hòa giữa trang phục của bản thân với “nhân vật chính”. Đám cưới là chuyện “trăm năm mới có một lần”, là ngày trọng đại của cô dâu, chú rể nên ai cũng mong muốn bản thân phải đẹp nhất và nhận nhiều sự chú ý nhất.

“Do vậy mà khách mời nên hiểu được tâm lý của cô dâu, chú rể mà có cách ứng xử cho phù hợp, hài hòa với bối cảnh và người xung quanh”, ông Đức nói.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện hành chính quốc gia TP HCM, chỉ ra bốn nguyên nhân một số người có xu hướng chọn trang phục nổi bật hơn cô dâu.

Một là, một số người không nhận thức rõ được vai trò, chức năng của bản thân trong đám cưới, nghĩ mình cần nổi bật như cô dâu hoặc hơn. Hai là mong muốn thể hiện bản thân trước đám đông, cảm giác thỏa mãn khi được khen xinh đẹp, xuất sắc. Ba là một số người lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn, có tổn thương tâm lý do từng bị coi thường nên muốn tìm mọi cách để phô diễn những điều đẹp nhất ra ngoài, không chú ý đến xung quanh. Và cuối cùng là vô tình lựa chọn trang phục không hợp ngữ cảnh hoặc do cô dâu mặc đồ giản dị, khiến bản thân bị lu mờ.

Theo bà Minh, nhóm dễ rơi vào tình huống này đa phần là người trẻ hoặc người lớn tuổi đang muốn hồi xuân, thích mặc đồ nổi bật.

“Dù vô tình hay cố ý thì trong một số trường hợp, cô dâu và khách mời có thể xảy ra xung đột ngầm, nảy sinh sự khó chịu. Thậm chí người mặc trang phục nổi bật hơn cô dâu dễ bị công kích trên mạng xã hội nếu hình ảnh bị phát tán”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh cảnh báo.

Đầu tháng 5/2024, Cẩm Tú, 29 tuổi ở TP HCM, nhận về nhiều chỉ trích khi đến dự đám cưới của một người bạn thân chơi chung 10 năm. Trong ảnh chụp kỷ niệm cô mặc trang phục váy màu trắng ngà, tóc búi cao, tay cầm hoa, đứng giữa chú rể cùng một người bạn chơi chung. Tú giải thích do thợ ảnh yêu cầu đứng như vậy để đẹp đội hình, không có chủ đích khác. Nhưng ngay khi bức ảnh chia sẻ, cô nhận hàng loạt bình luận tiêu cực.

“Tôi bị nói cố tình lấn át cô dâu nhưng sự thật chỉ muốn chỉn chu mỗi khi xuất hiện nơi đông người”, Tú thanh minh. Trước sự công kích của cộng đồng mạng, cô gái 29 tuổi phải xóa hình ảnh và video liên quan đến đám cưới.

Dù khó chịu nhưng không phải ai cũng dám lên tiếng góp ý thẳng thắn. Thùy Hân, 30 tuổi, ở TP HCM, vừa tổ chức đám cưới đầu năm 2024 thừa nhận không thoải mái khi thấy khách mời đến dự tiệc mặc trang phục quá lộng lẫy. Tuy nhiên, cô cũng không dám bày tỏ nỗi niềm bởi sợ rạn nứt tình bạn, bị đánh giá sân si.

“Trong mọi đám cưới từng tham gia, tôi luôn mặc trang phục giản dị bởi hiểu rõ ai mới là nhân vật chính, nhưng mọi người thì không”, Hân nói.

Để tránh những tình huống khó xử giữa khách mời và cô dâu, chú rể, chuyên gia văn hóa Lê Quý Đức khuyên người đến dự tiệc nên chọn các trang phục chỉn chu, trang trọng hơn ngày bình thường nhưng không nên lấn át cô dâu, chú rể.

Trong trường hợp mặc váy áo có phần nhỉnh hơn cô dâu và không có đồ thay thế, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh cho rằng khách mời nên hạn chế đứng gần dâu rể để tránh bị hiểu lầm, nảy sinh mâu thuẫn. Khách mời cũng có thể kết hợp thêm một số phụ kiện nhưng khăn, mũ, túi xách… để phân biệt, giảm bớt sự nổi bật. Còn nếu thấy cô dâu có thái độ khó chịu, tốt nhất nên mở lời với đối phương, giải thích lý do sao lại lựa chọn trang phục trên và mong được thông cảm.

“Một lời nói đầy thiện chí, cách thể hiện chân thành sẽ khiến cô dâu cảm thấy thoải mái và hạnh phúc với sự xuất hiện của bạn”, bà Tâm nói.

Theo VN Express.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *