0985.583.246

Sinh viên lo sống chật vật nếu bị siết giờ làm thêm

screenshot 1711934503

Đang phục vụ 35 tiếng mỗi tuần ở một quán ăn vặt với thu nhập khoảng 600.000 đồng, Lan không biết lấy đâu tiền tiêu nếu chỉ được làm 20 tiếng.

Nguyễn Lan, quê Hưng Yên, sinh viên năm thứ nhất một trường cao đẳng ở Hà Nội, hàng ngày đều đến chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, vào buổi trưa.

Lan phụ việc từ 13h đến 18h, giúp khách gọi đồ, làm một số món đơn giản như bánh tráng cuộn, tào phớ và dọn dẹp. Mỗi ca, Lan được trả 85.000 đồng.

“Quán có quy mô nhỏ, chỉ đông khách ở một số thời điểm, phù hợp với em”, Lan nói. “Em được trả hơn 2,5 triệu đồng một tháng, cộng thêm gia đình chu cấp, em đủ sống ở Hà Nội”.

Ước chừng có khoảng 70-80% sinh viên làm thêm trong giai đoạn học tập, theo một số đề tài khảo sát ở cấp trường đại học. Việt Nam chưa có nghiên cứu nào trên quy mô cả nước về việc học sinh, sinh viên làm thêm.

Các bạn trẻ thường phụ việc tại các quán ăn, cà phê hay đóng gói hàng hóa với ca làm 4-5 tiếng một ngày, tương đương 28-35 tiếng một tuần. Mức lương phổ biến là 17.000-20.000 đồng một tiếng.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hôm 15/3 lấy ý kiến dự thảo Luật việc làm sửa đổi, trong đó lần đầu đề xuất học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên được làm việc bán thời gian nhưng không quá 20 giờ mỗi tuần trong kỳ học, không quá 48 giờ một tuần trong kỳ nghỉ.

Lan và nhiều sinh viên bất ngờ khi biết tin. Các em lo lắng vì bị giới hạn giờ làm thêm đồng nghĩa giảm thu nhập, khó trang trải cuộc sống, một số nghĩ sẽ ảnh hưởng tới cơ hội học hỏi nghề nghiệp.

Nhân viên làm việc trong một cửa hàng cà phê tại TP HCM, tháng 10/2022. Ảnh: Hồng Châu

Nhân viên làm việc trong một cửa hàng cà phê tại TP HCM, tháng 10/2022. Ảnh: Hồng Châu

Đại diện một số trường ở Hà Nội và TP HCM nhận định mức chi tiêu phổ biến của sinh viên hiện nay khoảng 4-5 triệu đồng một tháng, chưa tính học phí (1,2-6 triệu đồng với chương trình đại trà). Sinh viên ở trọ bên ngoài tốn kém hơn những em ở ký túc xá hay ở cùng người thân.

Ở trọ với bạn, mức chi tiêu của Lan cũng trong khoảng trên. “Nếu chỉ được làm 20 tiếng mỗi tuần, thu nhập giảm gần một nửa, chắc em không đủ tiền ăn”, Lan nói.

Hồng Quân, sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Công nghệ TP HCM, cho rằng việc siết giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và cơ hội học tập của em. Quân đang chạy xe ôm công nghệ 4-5 tiếng một ngày, cuối tuần chạy tới 10-12 tiếng.

“Gia đình cho em 2-3 triệu mỗi tháng, giờ nếu thu nhập làm thêm giảm, gánh nặng gia đình sẽ gia tăng bởi chi phí sinh hoạt ở thành phố rất lớn”, Quân lo lắng. Nam sinh nghĩ đến việc cố giành học bổng của trường, nhưng không dễ bởi thường phải lọt top 10% về điểm số.

“Đề xuất này được thông qua, không chỉ em mà cả nhà em lo”, Quân nói.

Với Lương Hữu Phước, sinh viên trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP HCM, giới hạn giờ làm thêm có thể ảnh hưởng đến việc học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm làm việc.

Hiện Phước làm khoảng 16 tiếng mỗi tuần tại một startup về giáo dục. Những khi việc nhiều, em làm 20-22 tiếng.

“Quy định làm việc không quá 20 tiếng mỗi tuần là cứng nhắc”, Phước nói.

Lan cũng cho rằng đề xuất này không phù hợp. Nữ sinh chia sẻ đa số việc làm bán thời gian theo ca 4-5 tiếng, tương đương 28-35 tiếng mỗi tuần. Điều này cũng phù hợp với sinh viên chỉ học buổi sáng hoặc chiều.

Hữu Phước (đứng) quản lý lớp học tại một công ty startup giáo dục, tối 26/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hữu Phước (đứng) tại công ty, tối 26/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngược lại, đại diện nhiều trường đại học cho rằng quản lý số giờ làm thêm của sinh viên là cần thiết, bởi thực tế không ít em mải làm thêm mà bỏ bê học hành.

“Sinh viên cần tập trung cho việc chính là học tập, tốt nghiệp đúng hạn, từ đó có cơ hội việc làm tốt khi ra trường”, Thạc sĩ Trần Việt Toàn, Trưởng phòng Công tác Chính trị – Sinh viên, trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM, nói. “Làm thêm 20 tiếng một tuần là hợp lý”.

GS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, 20 tiếng mỗi tuần vẫn là quá nhiều. Ông lo ngại sinh viên đi làm sớm dễ sa vào “bẫy thu nhập trung bình”, ham kiếm 5-10 triệu đồng mỗi tháng mà bỏ bê học tập rồi không ra được trường, ảnh hưởng tương lai lâu dài.

Các nhà quản lý còn băn khoăn làm sao để trường kiểm soát được giờ làm thêm của sinh viên.

Thạc sĩ Tống Văn Toản, Trưởng phòng Công tác sinh viên, trường Đại học Nha Trang, nói có thể đề nghị sinh viên cam kết không vượt số giờ quy định, nhưng không có thẩm quyền để kiểm tra, cả về phía sinh viên và chủ lao động.

Dẫn thông tin một số nước cho phép du học sinh làm thêm 20-24 giờ mỗi tuần, Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Công tác sinh viên, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM, nói đây là những quốc gia có lượng du học sinh đông. Quy định nhằm đảm bảo sinh viên tập trung học, cũng tạo ra hàng rào để du học sinh không lấy đi quá nhiều việc làm của lao động trong nước.

Với Việt Nam, khi các trường không có hệ thống quản lý đồng bộ hay công cụ để kiểm chứng thì có thể tạo ra sự đối phó, giảm hiệu quả của chính sách trong thực tế.

Theo VN Express.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *