0985.583.246

Những đứa con ‘lạc loài’ trong nhà mình

screenshot 1711935562

Là đứa con thứ hai trong gia đình ba chị em nhưng từ nhỏ Liên đã thường xuyên bị mẹ quát mắng, thậm chí ghét bỏ ra mặt và phải tự chăm sóc bản thân.

Cô gái 20 tuổi quê Nam Định, sinh viên năm hai ở Hà Nội không biết vì sao mình bị mẹ ghét đến mức ấy. Cô đoán có thể vì gương mặt giống hệt cha, người đàn ông đã bỏ rơi mẹ nhiều năm trước.

“Hồi 10 tuổi, vì bận nấu cơm nên tôi để em trai bị ngã, xây xước đầu gối. Mẹ về, không cần hỏi lý do đã lao vào tát tới tấp trong khi chị gái đứng ngoài chứng kiến cũng lờ đi”, Liên kể.

Ở tuổi dậy thì, mỗi lần cô bé xin mẹ tiền mua áo mới đều bị mắng, cho rằng đua đòi. Khi Liên giải thích áo cũ đã chật, lại chỉ có hai chiếc, người mẹ lại dùng những câu như “Cái ngữ mày mặc đẹp lại hỏng người” hay “Học không lo suốt ngày đú đởn” để xỉ vả con gái. Cả tuổi thơ, trong khi chị gái và em trai đều được tặng quà sinh nhật, Liên thì không.

Ban đầu khi thấy mẹ phân biệt đối xử quá rõ ràng Liên còn thể hiện sự ghen tị nhưng càng lớn càng cam chịu. Dù sống cạnh người ruột thịt, nhưng lúc nào cô cũng cảm thấy “mình là kẻ lạc loài”.

Những đứa con cô đơn giữa gia đình

Mai Liên đã thoát khỏi nỗi cô độc chính trong gia đình nhờ được điều trị tâm lý cũng như tìm được đam mê với nhiếp ảnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dù có đầy đủ bố mẹ lại là con một nhưng Vũ Luân, 18 tuổi, ở Quảng Ninh luôn cảm thấy cô độc. Vì bận rộn buôn bán, nên việc ăn uống, học tập của cậu con trai duy nhất bố mẹ đều ủy thác cho người giúp việc và những gia sư được thuê về.

Luân kể, ngay từ nhỏ bố mẹ dường như không quan tâm tới chuyện trường lớp, bạn bè của con trai. Nếu cậu làm gì sai, phản ứng đầu tiên của họ là đánh đòn. Ngay cả khi có những thay đổi về tâm sinh lý, Luân cũng không thể chia sẻ với ai mà tự vượt qua bằng những gì tự biết. Mỗi lần đến nhà bạn chơi, thấy bố mẹ bạn cười đùa vui vẻ với con cái, cậu lại ước rằng đó là gia đình mình.

“Họ nói chuyện với con rất âu yếm, trong khi nhà tôi câu trước câu sau là chửi bới và chỉ có ‘tao-mày'”, Luân nói.

Câu chuyện những đứa con bị ghét bỏ, bị phân biệt đối xử dẫn đến cảm giác lạc lõng ngay trong gia đình mình không hiếm. Khảo sát độc giả của VnExpress ghi nhận 61% cho biết từng bị bố mẹ đối xử thiên vị, trong đó 29% là thường xuyên.

“Mọi cha mẹ đều biết thiên vị giữa những đứa con là không tốt nhưng họ khó đối xử bình đẳng, thường dành sự quan tâm, tình yêu thương cho một đứa con nhiều hơn những đứa khác”, tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội nói.

Sự thiên vị này thường xảy ra trong những gia đình mang tư tưởng gia trưởng, con trai được yêu quý hơn con gái hoặc cha mẹ thích con đầu lòng khi mọi cảm xúc đều mới mẻ, hoặc con út vì bé bỏng nhất nhà, con giữa ít được chú ý hơn.

Thực trạng này còn liên quan đến tính cách và hành vi của trẻ hoặc lý do cá nhân chẳng hạn như đứa trẻ đó rất giống ngoại hình hay tính cách của bố hoặc mẹ. “Cha mẹ có xu hướng ưu tiên đứa trẻ giống họ nhất nhằm nhắc nhở về bản thân hoặc đại diện cho những gì được coi là cách nuôi dạy con cái thành công”, bà Hương nói.

Một lý do khác là các thành viên trong gia đình không có sự không kết nối về mặt tinh thần. Sự không chia sẻ này có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, tính cách, suy nghĩ… gây ra xung đột khi con cái cho rằng bố mẹ không hiểu mình.

“Sự thiếu đồng điệu đến từ việc cha mẹ áp đặt con cái phải làm theo ý mình trong khi trẻ cảm thấy bất công; lấy tư tưởng ‘con nhà người ta’ để ép trẻ phải thực hiện theo khuôn mẫu bố mẹ mong muốn hay khuyên răn con đủ điều nhưng chính người lớn lại vi phạm”, bà Hương chia sẻ.

Một khi trẻ cảm thấy lạc lõng chính trong gia đình, theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện hành chính quốc gia TP HCM, chúng sẽ lao vào tìm kiếm niềm tin ở bạn bè hoặc những người quen biết dẫn tới bị lạm dụng, lừa đảo cũng như gặp nhiều vấn đề cảm xúc như rối loạn lo âu, thậm chí nổi loạn.

Như Vũ Luân, để gây được sự chú ý của cha mẹ, có thời điểm cậu tụ tập với nhóm bạn xấu hút thuốc, uống rượu. Mọi việc chỉ chấm dứt sau một lần ngồi trên xe đua, Luân gặp tai nạn. May mắn thoát chết nên cậu thiếu niên sợ hãi, dần tự cắt đứt quan hệ với nhóm bạn kia.

Còn với Liên, không nhận được sự yêu thương từ mẹ khiến cô bị ám ảnh bởi nghĩ bản thân không đủ tốt, luôn áp lực chứng minh bản thân và ép mình phải chịu đựng những điều không đáng có. Đã có thời điểm, Liên chỉ nghĩ tới hành vi tiêu cực nhưng nhờ được điều trị tâm lý cũng như tìm được đam mê với nhiếp ảnh, cô dần thoát khỏi nỗi đau thời ấu thơ.

Để không đứa trẻ nào phải cô đơn chính trong nhà mình, tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, điều quan trọng nhất là phụ huynh phải suy nghĩ kỹ trước khi giao tiếp với trẻ thay vì quan điểm “Là con mình nói gì chẳng được”. Cha mẹ cần cố gắng tiếp cận trẻ, thừa nhận cảm xúc của chúng mà không nên phán xét. Bằng cách này, trẻ sẽ dần cởi mở thay vì khóa chặt cảm xúc của bản thân.

Ngoài ra, bố mẹ nên xây dựng nguyên tắc “Được-cấm-phải”, cái gì được làm, cái gì cấm làm và cái gì phải làm, yêu cầu trẻ cũng như chính bản thân người lớn cũng phải tuân theo. Khi các con vi phạm, thái độ của bố mẹ là bình đẳng, khi chia quyền lợi cũng phải công bằng và ngược lại. Nếu không thể nói ra, có thể dùng thư tay, email, tin nhắn nhằm truyền tải thông điệp, hóa giải mâu thuẫn, hiểu nhầm nếu có giữa các thành viên.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh cho rằng trong tâm lý học có 5 ngôn ngữ của tình yêu gồm: Lời yêu thương; Cử chỉ hành động chu đáo; Thời gian bên nhau; Quà tặng và Sự gần gũi. Để mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên gắn bó, cha mẹ phải nhận diện được những ngôn ngữ yêu thương này và nên áp dụng thường xuyên với trẻ. Không những vậy, thông qua trực giác cần nhanh chóng nhận diện những thay đổi trong tâm lý trẻ để điều chỉnh hành vi cho phù hợp.

“Dù đặt ra quy định, trẻ cũng nên có không gian riêng để được tự do và được bố mẹ tôn trọng sự tự do đó. Điều này cho phép trẻ hiểu rằng chúng có một vị trí đặc biệt, được bố mẹ nhìn nhận và được yêu thương”, bà Minh nói.

* Tên một số nhân vật đã được thay đổi.

Theo VN Express.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *