Vốn chỉ là hình mẫu tưởng tượng, Trung Quốc giờ đây đang tạo ra các “Điệp viên 007” bằng máy móc, đảm đương các nhiệm vụ rủi ro không kém trong phim ảnh.
Điệp viên 007 của Trung Quốc
Đó là một nhiệm vụ nguy hiểm: lẻn vào mà không bị phát hiện, tung đòn ác liệt và tẩu thoát nhanh chóng – tất cả đều không để lại dấu vết. Những nhiệm vụ của lực lượng đặc biệt như vậy là nội dung thường thấy trong các bộ phim James Bond (Điệp viên 007), nhưng trong thế giới thực, chúng không dễ thực hiện.
Cho dù các đặc vụ thực sự xuất sắc đến đâu, họ vẫn phải rất vất vả mới đạt được sự bất khả chiến bại như 007. Và nếu rơi vào tay kẻ thù, điều đó có thể gây rắc rối cho các nhà chiến lược quân sự.
Đó là lý do tại sao, tại thành phố nhộn nhịp Thành Đô ở phía tây nam Trung Quốc, một đơn vị của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) cho biết đã hợp tác chặt chẽ với nhóm các nhà khoa học để phát triển máy bay không người lái có thể thay thế con người trong các nhiệm vụ phức tạp ở nước ngoài trong vòng 10 năm tới.
Máy bay không người lái (UAV) của họ có thể bay khoảng cách rất xa, lặn sâu dưới nước và chờ đợi trong thời gian dài. Theo lệnh, nó có thể nhảy lên mặt nước, lao về phía mục tiêu và sau đó ẩn mình dưới làn sóng sau khi tung ra đòn chí mạng.
Quân đội Trung Quốc nổi tiếng là giữ bí mật về các hoạt động ở nước ngoài. Nhưng trong một bài báo gần đây đăng trên tạp chí Kiểm soát Hỏa lực và Chỉ huy, đơn vị 78092 của PLA tham gia vào dự án đã tiết lộ một số chi tiết về kế hoạch hoạt động đặc biệt giả định ở nước ngoài trong tương lai.
Họ cho rằng việc tiết lộ kế hoạch về mặt lý thuyết sẽ giúp các công ty, kỹ sư và nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu và phát triển UAV mới hiểu rõ hơn về nhu cầu và mục tiêu chiến lược của quân đội.
Hoạt động lấy bối cảnh vào năm 2035, khi một cuộc xung đột quy mô nhỏ nổ ra giữa Trung Quốc và một quốc gia trong khu vực. Để giảm chi phí và tránh leo thang xung đột, cả hai bên chỉ hạn chế ở mức trang bị vũ khí nhỏ, bao gồm thuyền nhỏ, máy bay không người lái và súng phòng không.
Bài báo không nêu tên quốc gia nào, nhưng có đề cập đến một con sông chạy dọc biên giới giữa hai nước, có độ sâu trung bình 30 mét và độ sâu tối đa 40 mét. Trung Quốc chia sẻ nhiều con sông như vậy với các nước láng giềng, trong đó có sông Yarlung Tsangpo (Brahmaputra) rộng lớn và sâu, chảy từ Tây Tạng vào Ấn Độ.
UAV đa năng
Trong kịch bản này, quân đội Trung Quốc được giao một nhiệm vụ đặc biệt: tấn công nhanh chóng và âm thầm vào các cơ sở quan trọng của đối phương nằm sâu trong phòng tuyến. Mục tiêu là một trung tâm chỉ huy và tiếp tế quan trọng nằm ẩn mình dọc theo một con sông, cách mặt trận khoảng 40 km.
Theo các nhà nghiên cứu, đối với hoạt động này, quân đội Trung Quốc chọn chỉ sử dụng máy bay không người lái nhưng phải đảm bảo một số yêu cầu cao.
Những máy bay không người lái này được chế tạo cho các hoạt động đặc biệt, phải có khả năng hoạt động đơn lập lẫn phối hợp. Chúng phải có khả năng di chuyển dưới lòng sông sâu, tránh bị phát hiện khi phóng ngư lôi vào tàu tuần tra của đối phương.
Để không bị phát hiện, chúng phải ở gần lòng sông, chìm trong thời gian dài và di chuyển các chướng ngại vật như rạn san hô một cách dễ dàng. Khi nổi lên, chúng phải có khả năng bay ở độ cao cực thấp, thực hiện các động tác lẩn tránh nhanh chóng để tránh hỏa lực của kẻ thù.
Và khi tiếp cận mục tiêu, những máy bay không người lái này phải có khả năng tấn công xa, chính xác và sau đó rút lui mà không cần sự can thiệp của người điều khiển.
Hệ thống tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) tiên tiến phải cho phép chúng bay lượn trên chiến trường sau cuộc tấn công ban đầu, đánh giá thiệt hại và xác định xem có cần thực hiện thêm hành động hay không.
Nếu lực lượng đối phương cố gắng bỏ chạy, những máy bay không người lái này phải có khả năng truy đuổi và tiêu diệt, đảm bảo chiến thắng trọn vẹn trước khi quay trở lại lãnh thổ Trung Quốc.
Nhóm PLA cho biết mô hình phát triển UAV mới lấy cảm hứng từ cách tiếp cận của quân đội Mỹ. Trung Quốc có các nhà máy sản xuất UAV dân sự lớn nhất và có công nghệ tiên tiến nhất thế giới, nhưng không giống như Mỹ, hầu hết các nhà cung cấp UAV dân sự của Trung Quốc đều chưa tham gia thị trường quân sự.
Quân đội Trung Quốc đang bắt tay vào một kế hoạch đầy tham vọng nhằm khởi động một cuộc chạy đua vũ trang trong lĩnh vực UAV, nhằm áp đảo các đối thủ với ưu thế vượt trội về số lượng, công nghệ tiên tiến và lợi thế về chi phí, từ đó đẩy đối phương vào khủng hoảng tài chính.
Theo đơn vị 78092, dự án máy bay không người lái tác chiến đặc biệt đã được triển khai và nhiều thiết bị cải tiến hơn sắp ra mắt khi Trung Quốc chạy đua để đáp ứng nhu cầu quốc phòng ngày càng tăng.
Theo Soha.