Giấc mơ Mỹ lụi tàn sau làn sóng sa thải ở Thung lũng Silicon
Sau khi bị sa thải, các tài năng công nghệ đến Mỹ theo diện visa H-1B có 60 ngày để tìm công việc mới nếu không muốn bị trục xuất.
Thống kê từ Layoffs.fyi cho thấy từ đầu năm đến nay, tổng số lao động công nghệ bị sa thải ở Thung lũng Silicon đã vượt 100.000 người, trong đó có ở các công ty công nghệ lớn như Meta, Twitter, Amazon, Lyft…
Trong thông báo gửi nhân viên khi cắt giảm hơn 11.000 người, CEO Meta Mark Zuckerberg nói: “Tôi biết điều này đặc biệt khó khăn nếu các bạn đến đây bằng thị thực. Có một khoảng thời gian để mọi người chuẩn bị trước khi chấm dứt hợp đồng lao động và gia hạn thị thực. Các bạn cần có kế hoạch cho tình trạng cư trú của mình”.
Nỗi lo của hàng nghìn kỹ sư vừa bị sa thải
Các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon phần lớn tuyển dụng nhân tài nước ngoài qua chính sách visa H-1B. Mỗi năm có hàng chục nghìn tài năng hoặc sinh viên quốc tế vượt qua vòng xét thị thực này để tìm kiếm giấc mơ Mỹ, đầu quân cho các công ty công nghệ. Visa H-1B từng được coi là nền tảng dự trữ tài năng công nghệ của Thung lũng Silicon. Nhưng giờ đây, việc sa thải hàng loạt được cho là đang khiến giấc mơ của hàng nghìn kỹ sư sụp đổ.
Báo cáo từ Cơ quan Nhập tịch và Di trú Mỹ (USCIS) hồi tháng 3 cho thấy số lượng đơn xin H-1B được thông qua trong năm 2021 là hơn 400.000 hồ sơ. Trong đó 68% liên quan đến những lao động có tay nghề cao trong lĩnh vực công nghệ và gia đình họ, tương đương 280.000 người.
Theo luật, những người đến Mỹ theo diện visa H-1B phải tìm được việc sau 60 ngày kể từ khi nhận quyết định sa thải. Nếu không, họ sẽ đối mặt nguy cơ phải rời khỏi nước Mỹ. Trước làn sóng sa thải lớn, cơ hội tìm việc làm để ở lại Thung lũng Silicon trở nên khó nhằn hơn nhiều.
Ngày 19/11, Elon Musk, ông chủ mới của Twitter, đăng bức ảnh với các lập trình viên lúc 1h sáng, sau khi ra lệnh triệu tập đội ngũ kỹ sư để rà soát sản phẩm. Không ít người nhận ra, trong tấm hình, phần lớn đội lập trình viên là những gương mặt châu Á.
“Một trong những ngày cuối tuần đáng nhớ nhất kể từ khi tham gia Twitter. Tôi gặp thần tượng Elon và ‘chiến đấu’ với ông ấy đến tận khuya về những dòng code của tôi”, một lập trình viên người Trung Quốc chia sẻ trên mạng xã hội Xiaohongshu. Ít giờ sau, người này cập nhật thông tin đã mất việc do không vượt qua bài kiểm tra của Musk.
NBC News dẫn lời một nhà khoa học dữ liệu tại Meta cho biết dưới sự bảo trợ của công ty, ông không chỉ có việc làm ổn định mà còn được bảo đảm về thị thực. Xuất thân từ Trung Quốc nên người này cần có visa H-1B để ở lại Mỹ. “Thật tệ khi làn sóng sa thải ập đến, những kỹ sư nước ngoài đang chịu áp lực lớn về vấn đề thị thực. Chúng tôi chỉ có thời gian ngắn để tìm việc mới”, người này nói.
Tiến sĩ kinh tế Gaurav Khanna tại Đại học California cho rằng làn sóng sa thải ở Thung lũng Silicon có thể nhấn chìm hàng loạt tài năng công nghệ nước ngoài. “Chính sách nhập cư Mỹ gây áp lực nặng nề lên những lao động nhập cư. Nhiều nhân viên công nghệ sẽ phải thu dọn hành lý và rời đi, đồng nghĩa không nhiều người sẽ đến Mỹ để làm việc trong lĩnh vực công nghệ vì tương lai quá bất ổn”, Khanna nói với NBC News.
Theo Sina, hầu hết tài năng công nghệ nước ngoài thành danh ở Thung lũng Silicon đều có nhà, xe nhưng tiền mặt hạn chế. Khi không có việc làm, họ phải xoay xở để sống qua ngày. Nhiều người phải đánh đổi hoặc chấp nhận công việc không mong muốn vì gánh vác cả gia đình trên vai. “Dù còn tiền tiết kiệm, điều khó chịu nhất sau khi bị cho thôi việc là áp lực từ cha mẹ và các thành viên trong nhà. Suy cho cùng chúng tôi chỉ là ‘công dân tạm thời’ ở Mỹ”, một cựu kỹ sư Meta nói. Trong khi đó, những người may mắn thoát khỏi đợt sa thải lần này cho biết họ phải làm thêm giờ mỗi ngày nếu không muốn bị nằm trong danh sách cắt giảm tiếp theo.
Rủi ro của Thung lũng Silicon
Với Thung lũng Silicon và nước Mỹ, hệ lụy sau làn sóng sa thải này được đánh giá còn nghiêm trọng hơn. Khanna cho rằng nếu tình trạng kéo dài, nó có thể bào mòn một ngành công nghiệp được xây dựng chủ yếu dựa trên những người nhập cư. Thống kê từ Quỹ quốc gia về chính sách của Mỹ (NFAP) cho thấy trong số 582 kỳ lân công nghệ có đến 55% công ty có nhà sáng lập là người nhập cư. Nếu tính cả những người đồng sáng lập và những người có liên quan, con số này chiếm đến 2/3.
Một cựu nhân viên cấp cao về phân tích dữ liệu của Meta cho biết đồng nghiệp của ông đang tìm cách chuyển sang các lĩnh vực khác. Ông từng làm trong lĩnh vực ngân hàng, sau đó chuyển đến Meta rồi mất việc chỉ sau một năm. “Nếu có cỗ máy thời gian, tôi không bao giờ sang lĩnh vực bất ổn này”, ông nói.
Julia Gelatt, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Di cư Mỹ, nói với NBC News rằng chính sách visa của Mỹ đang bồi thêm cú “knockout” vào tài năng công nghệ nước ngoài. Trong khi đó, các quốc gia khác nhanh chóng tận dụng cơ hội từ làn sóng này.
“Canada đang có những chính sách mở rộng lực lượng lao động nhập cư. Họ muốn đưa ngành công nghệ ra khỏi nước Mỹ và thiết lập trung tâm mới ở Canada”, Khanna nói.
Các chuyên gia lo ngại một cuộc di cư công nghệ ồ ạt khỏi ngành công nghệ Mỹ có thể xảy ra. Thung lũng Silicon sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh vốn có. Làn sóng sa thải khổng lồ lần này ở các công ty lớn có thể gián tiếp định hình lại bộ mặt của ngành công nghệ thế giới tương lai.
Theo sohoa