Siêu trí tuệ nhân tạo AGI ‘đang dần hiện diện’.
ChatGPT-o1 của OpenAI được một số chuyên gia nhận định là mô hình tiệm cận với siêu trí tuệ AGI.
Ngày 5/12, OpenAI o1 chính thức được phát hành sau gần 3 tháng thử nghiệm công khai. Là một phần của chiến dịch Shipmas, OpenAI cho biết mô hình “có khả năng lập luận, được thiết kế để suy nghĩ kỹ hơn trước khi đưa ra phản hồi”.
Một số chuyên gia đã trải nghiệm và đánh giá o1 đang dần đạt đến “cảnh giới” AGI, tức trí tuệ nhân tạo có thể “ngang cơ”, thậm chí vượt qua trí tuệ loài người.
“Mô hình như o1 cho thấy con người thường không để ý các hệ thống gần giống AGI đã có khả năng vượt trội con người trong hầu hết nhiệm vụ trí tuệ, nhưng không tự chủ hoặc tự định hướng”, giáo sư Wharton và chuyên gia AI Ethan Mollick viết trên mạng xã hội X.
Mollick từng phân loại cấp độ AGI theo sự phát triển của chúng trên trang One Useful Thing, trong đó cấp cao nhất (cấp độ 1) là hệ thống có khả năng thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào tốt hơn con người. Cấp độ 2, hay “AGI yếu”, là máy móc vượt trội các chuyên gia con người trong tất cả nhiệm vụ, dù hiện tại chưa có hệ thống nào như vậy tồn tại. Cấp độ 3, hay “Trí tuệ nhân tạo tập trung,” là AI vượt các chuyên gia con người trung bình trong những nhiệm vụ đòi hỏi trí tuệ cao. Trong khi cấp độ 4, “Đồng trí tuệ” là kết quả hợp tác giữa con người và AI.
“Theo tôi, chúng ta đã đạt được AGI. Dù chưa tới mức ‘tốt hơn bất kỳ con người nào ở bất kỳ nhiệm vụ nào’, nhưng AI ‘tốt hơn hầu hết con người ở hầu hết nhiệm vụ'”, Vahid Kazemi, thành viên đội ngũ kỹ thuật OpenAI, viết trên X ngày 7/12.
Tuy nhiên, số khác lại cho rằng sẽ cần một chặng đường dài mới đạt được AGI. “Ý tưởng được phổ biến bởi khoa học viễn tưởng và Hollywood rằng ai đó sẽ khám phá ra bí mật về AGI, hay AI ở mức độ con người, hoặc AMI, tùy cách gọi. Bật một cỗ máy lên, thế là có AGI. Điều đó sẽ không xảy ra. Sự xuất hiện của AGI không phải một sự kiện cụ thể, mà là quá trình phát triển dần dần theo thời gian”, Yann LeCun, Giám đốc AI của Meta, nói hồi tháng 3.
Theo Sohoa