iPhone cũ hút khách
iPhone 16 không có nhiều điểm hấp dẫn, khiến nhiều người dùng ở nhiều thị trường tìm đến các phiên bản iPhone cũ hơn.
Anmol Aroz, 23 tuổi, làm việc trong ngành IT tại Anh, nói anh chọn một chiếc iPhone 13 Pro tân trang và tiết kiệm được khoảng 500 bảng. Anh không thực sự thấy hấp dẫn với iPhone 16 và Apple Intelligence vì đã có thể làm nhiều thứ với ChatGPT trên điện thoại, không cần đợi AI từ Apple.
“Tôi không bị cuốn hút bởi quần áo hay công nghệ mới, cả hai đều mất giá nhanh”, anh nói. “Ngay khi bóc hộp, nó đã mất 200 bảng. Tôi sẽ tiếp tục đi theo con đường mua đồ tân trang”.
Amy Marty Conrad, 34 tuổi sống ở Washington DC, nói cô và chồng đều sử dụng điện thoại tân trang và mới thay pin sau khi nó bị giảm hiệu năng. “Tôi chủ yếu sử dụng điện thoại để gọi điện, email, làm việc và chụp ảnh. Nhiều cải tiến phần mềm khác không mang lại nhiều lợi ích”, Conrad chia sẻ.
Thị trường smartphone tân trang sôi động
“Thỉnh thoảng, một sản phẩm cách mạng xuất hiện và thay đổi mọi thứ”, Steve Jobs nói khi ra mắt iPhone thế hệ đầu năm 2007. Sau 17 năm, ông dường như đã đúng nhưng theo chiều ngược lại, khi ngày càng nhiều người dùng không mặn mà nâng cấp sản phẩm thiếu đột phá.
iPhone 16, smartphone mới nhất của Apple, có khởi đầu chậm. Theo ước tính của nhà phân tích Ming-Chi Kuo, doanh số đặt hàng trong ba ngày đầu của iPhone 16 giảm gần 13% so với iPhone 15 cùng kỳ năm ngoái. Nhưng iPhone 15 cũng có khởi đầu không ấn tượng, khi doanh số cũng giảm 10% so với iPhone 14 cùng kỳ năm 2022.
Theo CNN, những năm gần đây, iPhone chưa cải tiến đủ nhiều để thuyết phục người tiêu dùng nâng cấp, từ sau khi thêm kết nối 5G trên iPhone 12. Trong khi đó, yếu tố thúc đẩy doanh số nằm ở bộ tính năng Apple Intelligence, nhưng phải đến cuối tháng 10 mới được triển khai.
“Trong 17 năm kể từ khi chiếc iPhone đầu tiên ra đời, việc ra mắt iPhone mới đã chuyển từ một sự kiện công nghệ được mọi người chờ đợi bậc nhất trong năm thành một buổi công bố bản cập nhật phần mềm mới”, Business Insider bình luận.
Khi iPhone mới nhất không tạo được sức hút, thay thế cho nó iPhone cũ. Theo Counterpoint Research, smartphone tân trang tăng 5% giai đoạn 2021-2022, trong đó Apple chiếm một nửa thị trường điện thoại cũ năm 2022. Còn theo IDC, Apple chiếm 1/4 lượng smartphone tân trang được vận chuyển toàn cầu năm 2023.
Tại châu Âu, 43% người dùng cho biết từng sở hữu một điện thoại tân trang, theo khảo sát năm 2023 do Vodafone và Recommerce Group thực hiện. Zion Market Research ước tính rằng ở Mỹ, thị trường điện thoại cũ có thể tăng trưởng khoảng 13% mỗi năm đến 2032.
Yếu tố thúc đẩy
Nhà phân tích Glen Cardoza của Counterpoint đánh giá có một số yếu tố thúc đẩy người dùng quay lại với điện thoại cũ. Trong đó, họ ngày càng nhận thức lợi ích của điện thoại tân trang: giá bán thấp hơn, chất lượng sửa chữa và bảo hành được cải thiện khiến chúng ít gặp rủi ro. Tuy nhiên, việc sản phẩm thế hệ mới không có nhiều nâng cấp đột phá mới là lý do phổ biến nhất.
“Với cải tiến nhỏ giữa các phiên bản smartphone, ngày càng nhiều người dùng cảm thấy các lựa chọn cũ vẫn tốt hơn”, Cardoza nói với Business Insider. “Người dùng không ngại sử dụng một mẫu tân trang rẻ hơn nhưng có hầu hết tính năng mới nhất”.
Các công ty sản xuất smartphone đang cố gắng ngăn người dùng mua điện thoại cũ, bằng cách làm cho chúng khó sửa hơn thời gian qua. Tuy nhiên gần đây, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Chẳng hạn vào tháng 4, Apple thông báo cho phép một số linh kiện iPhone đã qua sử dụng có thể được lắp vào iPhone khác.
Tuy vậy, giới chuyên gia đánh giá CEO Apple Tim Cook sẽ chưa coi việc người dùng quay lại smartphone cũ mối đe dọa hiện hữu. Thực tế, doanh số iPhone 16 không ấn tượng so với trước, nhưng vẫn đứng trên hầu hết đối thủ với hàng chục triệu máy bán ra sau thời gian ngắn. Nhưng với sự hoài nghi ngày càng tăng của người tiêu dùng về các tính năng mới trên iPhone 16, cũng như sự quan tâm đến điện thoại cũ, công ty sẽ cần làm nhiều hơn để đảm bảo người dùng hứng thú hơn với iPhone 17 và các thế hệ sau này.
Theo sohoa