0985.583.246

Đề xuất dẫn nước sông Sài Gòn chống hạn mặn cho miền Tây

screenshot 1710302079

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre kiến nghị dẫn nước từ sông Sài Gòn hoặc Đồng Nai cấp cho các tỉnh miền Tây để khắc phục tình trạng thiếu nước mùa hạn mặn.

Đề xuất được Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đưa ra tại buổi khảo sát các công trình chống hạn mặn tại địa phương của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu, ngày 12/3.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, độ mặn 4 phần nghìn (bình thường ở mức 0,25 phần nghìn) hiện đã xâm nhập cách các cửa sông chính 52-64 km, xấp xỉ mùa khô năm 2016, đặc biệt trên sông Cổ Chiên còn ở mức cao hơn.

Mặn xâm nhập hệ thống sông rạch tại Bến Tre ảnh hưởng cuộc sống hàng chục nghìn hộ dân. Do nguồn nước trên sông rạch bị nhiễm mặn, độ mặn tại một số nhà máy hiện ở mức 0,1-5,1 phần nghìn, khiến hơn 10.000 hộ dân phải xài nước máy có độ mặn vượt ngưỡng cho phép 0,5 phần nghìn.

Thứ trưởng nông nghiệp Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra công trình cống ngăn mặn Tân Phú (Châu Thành). Ảnh: Hoàng Nam

Thứ trưởng nông nghiệp Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra công trình cống ngăn mặn Tân Phú (Châu Thành). Ảnh: Hoàng Nam

Tại Tiền Giang, cống trên kênh Nguyễn Tấn Thành (Châu Thành) phải đóng sớm hơn một tuần để ngăn mặn, trữ ngọt. Còn Cống Cái Lớn – Cái Bé (Kiên Giang) chuẩn bị đóng hoàn toàn vào đợt triều cường từ 14-17/3 bởi độ mặn 4 phần nghìn dự báo xâm nhập sâu đến 65 km. Đây là lần thứ hai trong tháng cống ngăn mặn lớn nhất miền Tây phải vận hành đóng 9 hoặc tối đa 11/11 cửa.

Ở Cà Mau xảy ra khoảng 340 vụ sụt lún, sạt lở đất tại các tuyến sông, kênh với tổng chiều dài hơn 9 km. Nguyên nhân là mưa kết thúc sớm, hạn hán gay gắt làm lượng nước rút nhanh, người dân tranh thủ bơm nước vào đồng để đảm bảo sản xuất, khiến sông, kênh rạch khô cạn. Tình trạng này gây ra sự chênh lệch độ cao lớn giữa mặt đường ven sông và mực nước bên dưới, dẫn đến sụt lún, sạt lở.

Theo ông Tam, hiện sông Mekong đang bị các nước thượng nguồn chi phối, nên có thể tận dụng hệ thống sông trong nước như Sài Gòn, Đồng Nai để giải quyết nhu cầu cấp bách của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mùa hạn mặn.

“Miền Đông có địa hình cao nên có thể khơi một dòng kênh hoặc dùng hệ thống ống dẫn nước từ khu vực này về Long An, Tiền Giang, sau đó đến Bến Tre với khoảng cách mỗi tỉnh chỉ vài chục km”, ông Tam nói, cho rằng nếu chưa đủ chi phí đầu tư hệ thống ống dẫn nước sản xuất thì triển khai trước hệ thống ống dẫn nước sinh hoạt.

Hệ thống cống thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: Nguyễn Phương

Hệ thống cống thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé ở Kiên Giang. Ảnh: Nguyễn Phương

Lãnh đạo Bến Tre cũng kiến nghị Trung ương tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống cống ngăn mặn tại 2 tiểu vùng bắc và nam như: cống An Hóa (Châu Thành), Thủ Cửu (Giồng Trôm), Cái Quao, Vàm Thơm (Mỏ Cày Nam),… Hệ thống cống này thuộc dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA 3), tổng mức đầu tư hơn 6.100 tỷ đồng đang chậm tiến độ do khó khăn về nguồn vốn.

“Về lâu dài Trung ương cần nghiên cứu làm cống ngăn mặn trên sông Hàm Luông để giúp các tỉnh miền Tây đối phó hạn mặn”, ông Tam nói.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện mặn đã đạt mức cao nhất từ đầu mùa đến nay, cao hơn trung bình nhiều năm và xâm nhập sâu hơn 5 km-15 km. Dự báo, mùa khô năm nay sẽ còn hai đợt xâm nhập mặn vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, nhưng độ mặn sẽ thấp hơn.

Cống ngăn mặn Tân Phú, một trong 8 cống lớn thuộc dự án 6.100 tỷ đồng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ảnh: Hoàng Nam

Cống ngăn mặn Tân Phú, một trong 8 cống lớn thuộc dự án 6.100 tỷ đồng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ảnh: Hoàng Nam

Hơn 1,5 triệu ha lúa đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống trước một tháng nên ít bị ảnh hưởng, hiện đã thu hoạch hơn 600.000 ha. Khoảng 20.000 ha lúa tại Trà Vinh, Sóc Trăng nằm ngoài lịch gieo sạ theo khuyến cáo bị ảnh hưởng do thiếu nước. Hạn mặn cũng khiến khoảng 30.000 hộ dân miền Tây gặp khó khăn do nước sinh hoạt không đảm bảo.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Bộ này sẽ hỗ trợ Bến Tre tiếp tục hoàn thiện hệ thống cống ngăn mặn ở hai tiểu vùng. “Đến năm 2027 địa phương sẽ cơ bản chủ động được nguồn nước ngọt mùa khô hạn”, ông Hiệp nói và yêu cầu Bến Tre tiếp tục theo dõi diễn biến hạn mặn, đảm bảo cấp nước kịp thời để người dân không thiếu nước sinh hoạt lẫn sản xuất.

Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 (100 năm mới lặp lại) khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long phải công bố thiên tai. Năm 2020, hạn mặn kéo dài hơn 6 tháng khiến 6 tỉnh miền Tây phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó.

Theo VN Express.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *