Cuộc gọi bủa vây của công an dỏm khiến người phụ nữ mất 4 tỷ đồng.
Quảng NamBà Lan, 61 tuổi, liên tiếp nhận cuộc gọi từ hai công an dỏm yêu cầu nộp hết tiền vào tài khoản để “chứng minh không liên quan tội phạm”, nếu không sẽ bị tịch thu hết tài sản.
Ngày 15/8, TAND tỉnh Quảng Nam xét xử 12 người với cáo buộc giúp nhóm giả danh công an lừa gần 20 tỷ đồng của 22 người.
Một trong các nạn nhân mất nhiều tiền là bà Lan, 61 tuổi, ở Tây Ninh. Theo cáo trạng, cuối năm 2019, điện thoại bàn nhà bà đổ chuông, người gọi xưng tên Nguyễn Văn Tài, giới thiệu là nhân viên bưu điện, nói bà có điện mật do Bộ Công an gửi do tham gia mở tài khoản ngân hàng phục vụ tội phạm rửa tiền.
Khi bà trả lời không liên quan, Tài chuyển máy gặp “cán bộ công an để nói chuyện”. Một người đàn ông sau câu giới thiệu tên Hoàng, làm thanh tra Bộ Công an liền “hỏi cung” và “kết tội” bà liên quan đường dây tội phạm. Hoàng doạ nếu bà không hợp tác sẽ bị phong tỏa tất cả tài khoản ngân hàng.
Hoàng đọc thông tin cá nhân của bà và yêu cầu thành khẩn, nếu không sẽ bắt khẩn cấp. Chưa hết lo lắng, năm phút sau, bà nhận được cuộc gọi từ người giới thiệu tên Lâm Thành Đạt, thanh tra Bộ Công an.
Bà tiếp tục khẳng định không vi phạm pháp luật thì Đạt nhẹ giọng nói: “Bà phải chuyển tiền vào tài khoản của Bộ Công an để kiểm tra, nếu không liên quan sẽ trả lại, được khen thưởng”. Đạt bảo đây là cách giữ tiền an toàn nhất và dặn không nói cho ai biết, nếu nói là tiết lộ bí mật điều tra.
Để chứng minh bị oan, sáng 20/12/2019, bà không nói với ai, ra ngân hàng chuyển gần 2 tỷ đồng vào tài khoản mang tên Dương Tuấn Anh. Nhận được tiền, thanh tra Bộ Công an thông báo bà “đã thành khẩn” và không quên dặn “còn tiền thì nộp tiếp”. Nếu bà che giấu khi bị bắt giữ sẽ tịch thu hết, vì đây là tang vật liên quan vụ án, cáo trạng nêu.
Sau đó, Đạt gọi điện nhiều lần dọa dẫm và thúc giục chuyển tiền. Tổng cộng, bà Lan chuyển 6 lần với gần 4 tỷ đồng. Bà chờ mãi không thấy cơ quan điều tra gọi lại hay chuyển trả tiền, gọi vào số điện thoại vẫn trao đổi nhưng không liên lạc được. Lo sợ số tiền bị mất, bà mới tiết lộ với người thân và được động viên đến công an trình báo.
Cùng là nạn nhân như bà Lan, cáo trạng nêu ngày 2/1/2020, chị Minh, 37 tuổi ở Quảng Nam nhận cuộc điện thoại từ máy bàn, người gọi xưng tên Nguyễn Văn Tài, nhân viên bưu điện tỉnh. Người này thông báo chị có giấy báo nợ thẻ tín dụng gần 37 triệu đồng, trong vòng hai giờ đồng hồ phải thanh toán nếu không sẽ bị phong tỏa mọi tài khoản và bị khởi kiện ra tòa.
Nói xong, Tài kết nối điện thoại cho chị Minh gặp người tên Huy, giới thiệu là cán bộ Phòng điều tra Bộ Công an. Huy đọc các thông tin cá nhân của chị Minh và nói quá trình điều xác định chị đã bán một tài khoản ngân hàng cho Nguyễn Thành Phúc – người đang tạm giữ về tội rửa tiền. Trong tài khoản có 20 tỷ đồng, Phúc khai chị bán giá 100 triệu đồng và hưởng lợi 10% số tiền do phạm tội mà có.
Huy nói chị muốn chứng minh “trong sạch” thì mở một tài khoản nộp tiền vào, nếu không sẽ bị bắt và di lý về Bộ Công an để điều tra.
Chị Minh tin lời đã mở tài khoản và nộp 2 tỷ đồng. Khi tiền vào tài khoản, Huy gửi cho đường link, yêu cầu tải app có tên và huy hiệu của “Bộ Công an” vào điện thoại di động. Huy giải thích việc này để cơ quan điều tra kiểm tra đối chiếu đã chuyển tiền chưa.
Đến ngày 9/1/2020, chị kiểm tra số dư trong tài khoản thấy chỉ còn gần 600.000 đồng. Chị không dám chia sẻ cùng ai, qua báo đài mới biết bị lừa gần tiền nên trình báo nhà chức trách.
Đầu tháng 1/2020, Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã bắt 12 nghi phạm tại Việt Nam với cáo buộc tiếp tay cho nhóm lừa tiền bà Lan, chị Minh và 18 người khác.
Các nghi can khai năm 2019, Du Sheng Teacher từ Malaysia chỉ đạo nhóm tội phạm ở nước ngoài dùng số điện thoại ảo giống đường dây nóng Bộ Công an, mạo danh công an gọi điện thoại khiến nhiều Việt Nam sập bẫy.
Low Boon Leng, Lim Kean How và đồng phạm Jackson Liew được Du Sheng Teacher cử đến TP HCM với nhiệm vụ tìm người ở Việt Nam mở tài khoản ngân hàng để nhận và chuyển tiền lừa đảo.
Low Boon Leng, Lim Kean How được 10 người Việt Nam giúp sức mở hàng chục tài khoản ngân hàng thanh toán quốc tế, trả công 2-8 triệu đồng một tài khoản.
Nhà chức trách cáo buộc từ tháng 7/2019 đến 1/2020, nhóm này với vai trò trung gian đã giúp Du Sheng Teache nhận gần 20 tỷ đồng của 22 nạn nhân ở nhiều tỉnh thành, tuổi từ 36 đến 62.
Tại phiên tòa, đại diện của bà Lan bức xúc nói. “Nhóm này giúp sức khiến cho người thân mất 4 tỷ đồng, đây là số tiền tích góp cả mua đất xây nhà khi con cái trưởng thành”.
Theo vị đại diện, các bị cáo tuổi đời còn trẻ, hiểu biết nhưng cứng đầu quanh co chối tội. “Sau một ngày xét hỏi 9 bị cáo mới nhận tội. Tôi đề nghị HĐXX tuyên bản án nghiêm minh để bù đắp cho bị hại. Mong cơ quan điều tra bắt kẻ cầm đầu may ra mới lấy lại được tiền”, người này nói.
Bản án chiều 16/8, TAND Quảng Nam tuyên phạt Low Boon Leng 12 năm tù về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và 18 tháng tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy.
Lim Kean How phạt 13 năm tù về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
10 người Việt bị tuyên phạm tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, án 7-9 năm tù. 12 bị cáo phải trả lại số tiền chiếm đoạt cho 22 bị hại.
Du Sheng Teacher và Jackson Liew chưa bắt được, nhà chức trách tách riêng vụ án để tiếp tục điều tra.
Theo vnexpress