Nhiều quốc gia đã chi hàng tỷ đô la để khuyến sinh, song cuộc sống hiện đại quá nhiều áp lực khiến lập gia đình và sinh con trở thành quyết định rủi ro.
Tại Mỹ, tỷ lệ sinh lao dốc từ sau cuộc Đại suy thoái, giảm gần 23% từ năm 2007 đến năm 2022. Hiện nay, tỷ lệ sinh trung bình nước này là 1,6 trẻ trên một phụ nữ, giảm từ 3 con vào năm 1950. Tỷ lệ sinh cần thiết để duy trì dân số ổn định là 2,1 con trên một phụ nữ.
Ở Italy, cứ 7 ca sinh thì có 12 ca tử. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ sinh 0,81 con trên một phụ nữ. Mức giảm sinh nghiêm trọng toàn thế giới khiến các chuyên gia và nhà lập pháp lo ngại. Họ cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân khẩu trong thời gian tới. Để ngăn chặn khủng hoảng, các nhà lãnh đạo thế giới thử mọi biện pháp, từ chương trình phúc lợi xã hội hào phóng đến chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng.
Thực tế, tỷ lệ sinh giảm là câu chuyện về sự tiến bộ, cho thấy người trẻ, đặc biệt là phụ nữ có nhiều lựa chọn và quyền tự do hơn bao giờ hết. Nhiều khảo sát cho thấy phụ nữ kiểm soát khả năng sinh sản của họ tốt hơn trong những thập kỷ gần đây, tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên giảm, hiệu quả biện pháp tránh thai tăng lên.
Dù vậy, các nước đối mặt với viễn cảnh tăng trưởng chậm và dân số già, các chính phủ chi hàng tỷ đô la để tìm cách khuyến khích người dân sinh con. Nga tặng mỗi gia đình có nhiều hơn hai con 7.000 USD. Italy và Hy Lạp thử nghiệm chế độ “tiền thưởng em bé” cho các cặp vợ chồng. Năm 2019, Hungary cho những cặp đôi mới cưới vay khoảng 30.000 USD, nếu sinh ba con, họ sẽ không phải trả lại khoản vay này. Năm 2009 Đài Loan (Trung Quốc) mạnh tay chi hơn ba tỷ USD cho các chương trình khuyến sinh, mỗi gia đình được hoàn trả 80% mức tiền lương và giảm thuế nếu có con. Mức sinh ở Đài Loan là 0,87 con trên một phụ nữ tuổi sinh đẻ.
Các chiến dịch giáo dục công cộng cũng được áp dụng triệt để. Năm 2012, chính phủ Singapore hợp tác với Mentos phát hành một video rap kêu gọi các cặp vợ chồng “giúp tỷ lệ sinh tăng đột biến”. Áo kéo dài thời gian nghỉ thai sản lên 2,5 năm. Đức tăng cường đầu tư vào chăm sóc trẻ em và giáo dục sớm. Năm 2013, nước này khẳng định mọi trẻ em một tuổi đều có sẵn chỉ tiêu tại một nhà trẻ công cộng.
Dù vậy, tỷ lệ sinh vẫn ảm đạm vì nhiều lý do. Nhiều chuyên gia cho rằng tặng tiền mặt hoặc giảm thuế không đủ để tăng tỷ lệ sinh. Sự thất bại của những chương trình khuyến sinh khiến các nhà hoạch định chính sách đặt ra câu hỏi: “Tại sao việc thuyết phục mọi người sinh con khó đến vậy?”.
Các khoản vay, ưu đãi, bài phát biểu truyền cảm hứng về giá trị truyền thống, không tạo nhiều tác động đến quyết định của người dân. Theo các chuyên gia, lý do đầu tiên là ảnh hưởng của xã hội đến phụ nữ hiện đại. Khi điều kiện giáo dục và năng suất kinh tế tăng lên theo thời gian, nhiều phụ nữ không chấp nhận mất đi những cơ hội lớn trong sự nghiệp để nghỉ thai sản thời gian dài.
Mặt khác, các chiến dịch công cộng của nhiều quốc gia thường có thông điệp lỏng lẻo, được chuyển tải một cách vụng về và thiếu thân thiện. Đài Loan từng tổ chức những buổi hòa nhạc công cộng để người trẻ có điều kiện gặp gỡ, kết bạn và tìm nửa kia cho mình. Tuy nhiên, kể từ năm 2019 đến nay, chưa cặp đôi nào kết hôn từ chương trình này.
Ở Mỹ, những bài phát biểu với mục đích khuyến sinh trở nên sáo rỗng do lịch sử phân biệt chủng tộc. Theo định kiến, khả năng chăm sóc con cái của các bậc cha mẹ người da trắng luôn được đề cao. Trong khi đó, phụ nữ da đen phải đón nhận cái nhìn hoài nghi về thiên chức này. Tỷ lệ phụ nữ da đen tử vong khi sinh con cũng cao gấp ba lần so với phụ nữ da trắng. Điều này khiến nhiều người gốc Phi tự loại trừ bản thân ra khỏi các chương trình khuyến sinh.
“Họ không nhắm đến chúng tôi khi truyền đi các thông điệp đó”, Regina Davis Moss, chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận In Our Own Voice: National Black Women’s Reproductive Justice Agenda cho biết.
Lo ngại về tương lai cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh giảm toàn cầu. Theo Jessica Nisén, chuyên gia nhân khẩu học tại Đại học Turku ở Phần Lan, người trẻ tuổi đang sống giữa nhiều cuộc khủng hoảng, từ chiến tranh, biến đổi khí hậu đến các xung đột về giới và sắc tộc. Điều này khiến lập gia đình và sinh con trở thành quyết định mang tính rủi ro.
Việc thiếu chính sách sinh sản thân thiện như nghỉ phép hưởng lương và trợ cấp chăm sóc trẻ em cũng góp phần khiến tỷ lệ sinh giảm. Điều đó khiến nhiều người có ít con hơn kế hoạch. Tình trạng này được thể hiện trong cuộc khảo sát năm 2018 ở Mỹ, 25% số người tham gia cho biết họ sẽ sinh ít con hơn dự tính trước đó. Nguyên nhân là chi phí chăm sóc trẻ, nhà ở, tiền học đại học tăng vọt. Đây cũng là vấn đề của toàn thế giới. Hàn Quốc và Trung Quốc đứng đầu danh sách những nơi đắt đỏ nhất để nuôi dạy một đứa trẻ.
Tuy nhiên, ngay cả ở các quốc gia có chế độ nghỉ thai sản rộng rãi như Thụy Điển và Na Uy, tỷ lệ sinh cũng bắt đầu giảm. Đây là những nước có số ca sinh cao hơn các quốc gia láng giềng, vì vậy sự sụt giảm sẽ rõ rệt hơn nếu không tạo thêm chính sách chăm sóc trẻ em và hỗ trợ việc làm.
Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia hướng đến biện pháp khuyến sinh thực tế hơn, ngoài tặng tiền mặt.
Một số chuyên gia cho rằng các nước nên bỏ qua mục tiêu thúc đẩy người dân sinh đẻ. Thay vì cố gắng tăng tỷ lệ sinh, nhà lập pháp nên tập trung vào chính sách cho phép mọi người lập gia đình theo ý muốn của họ, đồng thời tạo điều kiện giúp họ có kinh tế tốt hơn. Tại Mỹ, nhiều chuyên gia đề nghị chính phủ cải thiện cơ hội việc làm, thêm ngày nghỉ phép có lương, giảm chi phí chăm sóc trẻ em, hỗ trợ các gia đình trong bước đầu làm cha mẹ.
Cải cách chính sách gia đình có thể không tạo bước nhảy vọt về tỷ lệ sinh như nhiều người kỳ vọng. Tuy nhiên, đây là hướng đi bền vững hơn trong việc giải quyết bài toán dân số. Theo các chuyên gia, các nước cần thích nghi với tình trạng dân số già, cả về kinh tế và xã hội. Wang Feng, giáo sư xã hội học tại UC Irvine, nhận định thu hẹp quy mô gia đình có thể không phải xu hướng xấu. Tỷ lệ sinh thấp hơn trên toàn thế giới có thể làm giảm suy thoái môi trường, cạnh tranh tài nguyên và xung đột toàn cầu.
Tỷ lệ sinh giảm cũng không kéo dài vĩnh viễn. Mac Namara, nhà sử học tại Texas A&M, cho biết thời kỳ bùng nổ trẻ em (năm 1940) từng bắt đầu một cách đột ngột.”Không nhà nhân khẩu học nào thấy trước xu hướng đó. Ngày nay, họ cũng không biết chắc tại sao nó xảy ra và vì sao nó kéo dài lâu đến vậy”, ông nói.
Biện pháp khuyến sinh khác được chuyên gia đề xuất là tạo điều kiện để người dân cảm thấy lạc quan đối với việc có con. Hầu hết quốc gia thu nhập cao đều giảm tỷ lệ sinh vào đầu năm 2021, do Covid-19 khiến mọi người trì hoãn việc mang thai.
Tuy nhiên, ở các nước như Na Uy và Phần Lan, tỷ lệ sinh tăng vọt. Điểm chung của những quốc gia này là tỷ lệ tử vong hoặc lây nhiễm thấp. Người lao động trình độ cao ít bị đại dịch ảnh hưởng. Ngoài ra, Phần Lan là quốc gia mà người dân có niềm tin mạnh mẽ với chính phủ, tiến sĩ Nisén nói thêm.
Theo VN Express.