0985.583.246

Thủ tướng yêu cầu tăng thanh tra livestream bán hàng

screenshot 1717814607

Bộ Tài chính được giao thanh, kiểm tra hoạt động livestream bán hàng, nếu cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý.

Nội dung trên nêu tại công điện do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ngày 6/6. Hình thức bán hàng qua livestream, đặc biệt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử ngày càng phổ biến.

Để siết quản lý thuế với loại hình này, tại công điện hôm nay, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tăng thanh, kiểm tra với hoạt động này. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng, nhận hoa hồng từ quảng cáo, bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Thủ tướng yêu cầu chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý.

Thực tế, livestream bán hàng mang lại doanh thu lớn cho người bán và người được thuê livestream. Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 4/6, đại biểu đề cập thời gian qua mạng xã hội xôn xao những phiên livestream bán hàng trên các ứng dụng, doanh thu đạt cả trăm tỷ một ngày. Không trả lời thẳng nội dung này nhưng Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận thương mại điện tử là lĩnh vực “khó quản”.

Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, đây là một nguồn chịu thuế. Do đó, cá nhân có thu nhập từ 100 triệu đồng một năm trở lên phải kê khai nộp loại thuế này.

Tổng cục Thuế cho biết, hiện một số cá nhân có thu nhập hàng chục tỷ đồng từ hoạt động livestream bán hàng tự giác đăng ký thuế, kê khai và nộp thuế. Trong đó, có cá nhân đã nộp thuế vào ngân sách hàng tỷ đồng.

Theo dự báo của công ty tư vấn McKinsey & Company, mua sắm trực tiếp qua livestream có thể giúp tăng 20% tổng doanh số bán hàng thương mại điện tử vào đầu năm 2026.

Màn hình máy tính vận hành buổi livestream của một nhân viên kỹ thuật tại studio. Ảnh: Anh Lê

Màn hình máy tính vận hành buổi livestream của một nhân viên kỹ thuật tại studio. Ảnh: Anh Lê

Cùng với livestream bán hàng, hoạt động thương mại điện tử đang phát triển mạnh trong những năm qua. Đây là kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân. Lĩnh vực này cũng giúp phát triển các dịch vụ tài chính, thanh toán điện tử.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, sự phát triển nhanh chóng cũng đặt ra thách thức với quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, kém chất lượng, quản lý thu thuế.

Do đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ ngành siết quản lý trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Bộ Công Thương được giao rà soát các các quy định về quản lý thương mại điện tử, xử phạt vi phạm hành chính với sản xuất, mua bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ Tài chính cùng các bộ ngành nghiên cứu giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân kê khai, nộp thuế; có các giải pháp chống thất thu thuế, xử nghiêm vi phạm về thuế, hải quan trong thương mại điện tử. Ngành tài chính cũng được giao xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu quản lý thuế với các bộ ngành khác như công an, ngân hàng. Việc này giúp định danh, xác thực cá nhân, tổ chức nhằm kiểm soát gian lận, trốn thuế.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tăng kiểm tra, giám sát giao dịch thanh toán điện tử, hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử. Các tổ chức tín dụng, cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được yêu cầu hỗ trợ quản lý thuế bằng việc cung cấp thông tin của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân có thu nhập từ các nền tảng xuyên biên giới.

Theo VN Express.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *