0985.583.246

Giấc mơ mua nhà càng với, càng xa

screenshot 1710216423

Bốn năm trước, để dành được 500 triệu đồng, vợ chồng chị Hà khởi động giấc mơ mua nhà Hà Nội nhưng cứ khi họ gần đủ tiền, giá nhà lại vọt lên một tầm mới.

Thời điểm đó, thu nhập của cặp vợ chồng nhân viên văn phòng ở quận Cầu Giấy khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng trong khi đã có một đứa con. Gia đình nội ngoại đều không thể giúp, họ nhẩm tính nếu mua nhà sẽ phải vay ngân hàng 600 triệu đồng.

“Dồn hết mua nhà rồi hàng tháng trả lãi, tôi sợ nếu chẳng may cuộc sống có biến cố sẽ không có khoản phòng thân”, chị Hà, 34 tuổi, nói. Họ quyết định để dành thêm vài năm, khi nào đủ 2/3 giá trị căn hộ mới “xuống tiền”.

Nhưng sau Covid-19, giá chung cư lại bị đẩy lên còn thu nhập của vợ chồng trẻ bấp bênh hơn trước. Họ định liều mua nhà dù chưa đủ tiền. Hai người bắt đầu tìm kiếm các dự án chung cư hợp túi tiền, nhờ môi giới gửi tiến độ đóng lãi, gốc. Nhưng giá căn hộ khi xưa 20 triệu đồng một m2 nay đã lên 25 triệu.

“Tiền thì chỉ tăng được 100 triệu mà nhà lại tăng đến 300 triệu”, Hà nói.

Chị Hoàng Hà ở phòng trọ tại Cầu Giấy, nuôi giấc mơ mua chung cư nhưng chưa thành. Ảnh: P.N

Chị Hoàng Hà ở phòng trọ tại Cầu Giấy, Hà Nội, tháng 3/2024. Ảnh: Phạm Nga

Vợ chồng chị Hà tiếp tục lao vào cuộc chiến làm thêm cả thứ 7, Chủ nhật để tăng thu nhập. Cuối năm ngoái, khi đã có khoảng 900 triệu đồng, họ quay lại mua căn chung cư từng tìm hiểu trước đó. Nhưng giá căn hộ đó đã lên hơn 2 tỷ đồng.

“Sau ba năm ‘cày’ cật lực, số tiền tăng gần gấp đôi nhưng vẫn chưa đủ nửa giá trị căn hộ, cách xa hơn cả lúc trước”, chị Hà nói.

Khát khao có nhà nhưng tìm mãi không được, chị Hà buồn bực, trách chồng không để tâm. “Một lần vô tình đọc tin nhắn trên điện thoại chồng, thấy anh cũng liên hệ với rất nhiều môi giới ở các dự án khác nhau, nhưng vì giá quá cao nên mới im lặng”, chị kể.

Tương tự chị Hà, vợ chồng chị anh Đức Thành, 30 tuổi, quyết định chuyển phòng trọ từ nội thành về thuê một căn hộ chung cư ở Hoài Đức. Mục đích của anh chị là sống ở đây vài năm để ngắm nghía có căn hộ nào hợp túi tiền.

Nhưng dù làm vài công việc một lúc, tiết kiệm triệt để, đôi vợ chồng cũng không đủ sức mua nhà, vì giá càng lúc càng tăng. “Căn chung cư nhà tôi đang thuê gần 70 m2, giá tháng 9 năm ngoái là 1,7 tỷ nhưng năm nay đã hơn 2 tỷ. Trong khi hai vợ chồng làm cả năm mới để ra được hơn 100 triệu”, anh kể.

Anh Đức ví von thu nhập của gia đình mình và giá nhà như cuộc đua của rùa và thỏ. “Dù tôi cũng chăm chỉ, chịu khó và nhẫn nại như rùa nhưng vẫn bị giá nhà bỏ xa”, anh nói.

Chuyên gia tài chính, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết những cuộc đua nhưng ngày càng bị bỏ xa của các gia đình nuôi giấc mơ mua nhà thành phố như chị Hoàng Hà hay anh Thành không hiếm. Nguyên nhân chính là thu nhập không theo kịp với giá nhà tăng mạnh.

Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của Hà Nội là 151 triệu đồng, tăng khoảng 6% một năm so với năm 2019. Trong khi đó, giá của chung cư duy trì mức tăng khoảng 14% mỗi năm. Riêng năm 2023, giá bán sơ cấp trung bình tại Hà Nội tăng gần 15% theo năm, đạt 53 triệu đồng mỗi m2.

Giá nhà trung bình ở Việt Nam gấp gần 24 lần thu nhập hộ gia đình

Giá nhà trung bình ở Việt Nam gấp gần 24 lần thu nhập hộ gia đình

Giá nhà trung bình ở Việt Nam hiện gấp 23,7 lần thu nhập trung bình hàng năm hộ gia đình, nhích nhẹ từ mức 23,5 hồi 2023, theo Numbeo.  220

Giá nhà chung cư nội thành tăng đột ngột 77% trong năm qua, tương đương với 45 năm thu nhập bình quân của người lao động. Bước sang năm 2024, Hà Nội vẫn thuộc nhóm các thủ đô khó mua nhà nhất thế giới.

Theo “Tỷ số giá nhà trên thu nhập” (House Price to Income Ratio – HPR) mới cập nhật năm 2024 của nền tảng dữ liệu về chi phí sống Numbeo, trụ sở tại Serbia, giá nhà trung bình ở Việt Nam hiện gấp 23,7 lần thu nhập trung bình hàng năm của hộ gia đình.

Công ty Avison Young Việt Nam nhận định, khi giá mua, thuê và chi phí sinh hoạt đều có xu hướng tăng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu nhập của người dân đô thị, nhu cầu nhà ở – vốn là nhu cầu thiết yếu – càng trở nên “xa vời”.

Một chung cư ở Cầu Giấy, Hà Nội. Giá nhà tăng, các chung cư cũ, nhà ở tập thể vẫn luôn hút khách. Ảnh:Phạm Nga

Một chung cư ở Cầu Giấy, Hà Nội. Giá nhà tăng, các chung cư cũ, nhà ở tập thể vẫn luôn hút khách. Ảnh: Phạm Nga

Anh Trần Luân, một môi giới bất động sản tại dự án ở Hà Đông cho biết, chỉ 5 năm kinh nghiệm nhưng anh đã chứng kiến sự “đại nhảy vọt” của giá nhà. “Có những cặp vợ chồng mất cả năm tìm nhà, mua nhà vẫn không được, vì giá tăng từng ngày, từng tháng”, anh nói.

Lý giải nguyên nhân giá nhà tăng vọt, giám đốc bộ phận Phát triển nhà ở CBRE Việt Nam, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết do nguồn cung hạn chế, trong khi giá bán các dự án mới hầu hết ở phân khúc cao cấp. Phân khúc trung cấp có mức giá bán phù hợp hơn với túi tiền của đại bộ phận người dân lại chiếm tỷ trọng nhỏ, còn phân khúc bình dân hoàn toàn biến mất.

Anh Luân cho rằng bên cạnh nguồn cung hạn chế, việc nhiều người giàu đầu cơ cũng là nguyên nhân đẩy giá nhà lên cao. “Nếu người bình thường chỉ có một cái nhà để mua hoặc bán, họ chỉ quan tâm đến căn nhà của mình thôi. Còn người có tiền họ ôm một lúc cả chục căn họ nhắm chỗ rẻ mới mua, đẩy giá thật cao mới bán, từ đó góp phần khiến giá nhà lên”, anh nói.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng muốn mua nhà, các hộ gia đình cần tính toán hoặc nhờ chuyên gia tài chính tư vấn để tránh tình trạng không thể trả lãi mua nhà hoặc chần chừ, để lâu khiến giá tăng cao lại không thể mua.

“Dù sao chỉ nên mua nhà khi gốc và lãi suất phải trả hàng tháng không quá 60% thu nhập”, chuyên gia khuyên.

Ông kiến nghị các ngân hàng cần có chương trình cho vay dài hạn, hạ lãi suất hoặc lãi suất cố định cho các gia đình muốn mua nhà. “Nhiều dự án quảng cáo là cho vay miễn phí lãi suất 18 tháng, nửa năm, nhưng sau đó lại thả nổi theo thị trường, giống như một cái bẫy”, ông Hiếu nói.

Đấy là điều vợ chồng chị Hoàng Hà lo ngại, khi chứng kiến nhiều bạn bè, người quen chưa kịp vui vì mua nhà đã phải trả lãi và gốc vượt quá thu nhập. Thậm chí, vợ chồng bạn thân chị vì căng thẳng chuyện một tháng trả gốc và lãi hết 70% thu nhập nên gia đình lục đục, cãi vã triền miên.

“Ngôi nhà bỗng trở thành gánh nặng. Vì thế mà tôi sợ, chần chừ. Nhiều người nói chúng tôi nhát gan nhưng nợ có ai trả thay mình đâu”, chị Hà nói.

Không chỉ giá nhà, pháp lý của nhiều dự án không rõ ràng, thiếu thông tin khiến người dân bình thường như chị sợ càng thêm sợ.

Con gái chị Hoàng Hà đã vào lớp 1, con thứ hai cũng sắp chào đời. Chị Hà chưa đủ tiền mua căn hộ ven đô, nhưng lại thích một chung cư gần phòng trọ. Cũng như các chung cư khác ở Hà Nội, giá ở đó đang tăng. Vợ chồng chị vẫn tăng ca và tích lũy, hy vọng sau cơn sốt, chung cư lại trở về với giá trị thật, để họ có thể có ngôi nhà trong mơ.

“Ở chỗ chung cư mà tôi thích có một cái miếu, lần nào đi qua, tôi cũng khấn, cầu sang năm sẽ mua được nhà ở đấy. Khấn đến năm thứ ba rồi vẫn chưa thấy linh nghiệm”, chị nói.

Theo VN Express.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *