Thói quen giúp điện thoại Android chạy mượt
Khởi động định kỳ, xóa dữ liệu không cần thiết, gỡ ứng dụng không dùng… là những thói quen giúp cải thiện hiệu suất của smartphone Android.
Sau một thời gian sử dụng, điện thoại Android thường giảm hiệu suất. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng phổ biến nhất là tập tin rác xuất hiện mà không được dọn dẹp, nhiều ứng dụng được cài đặt nhưng không dùng đến, cấu hình lỗi thời hoặc máy lâu không được cập nhật. Việc hình thành những thói quen dưới đây có thể giúp máy luôn mượt mà, kể cả thiết bị đã cũ.
Luôn cập nhật phiên bản mới nhất
Việc cài bản Android mới nhất giải quyết được hai vấn đề lớn: cung cấp các bản vá bảo mật ngăn ngừa nguy cơ bị tấn công và giúp phần mềm điện thoại được tối ưu hóa về hiệu suất. Cả hai đều là yếu tố quan trọng, quyết định độ mượt khi sử dụng smartphone Android.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người dùng nên cập nhật ngay khi có phiên bản hệ điều hành mới. Thiết bị thường sẽ hiển thị thông báo, hoặc người dùng có thể kiểm tra bằng cách vào Cài đặt > Hệ thống > Cập nhật hệ thống.
Cân nhắc cài đặt ROM tùy chỉnh
Sau vài năm, nhà sản xuất sẽ ngừng cung cấp bản cập nhật hệ điều hành cho điện thoại cũ, khiến máy không còn nhận được bản vá và tối ưu hiệu suất, từ đó hoạt động ngày càng chậm hơn.
Khác với iOS, người dùng Android có thể tìm thấy các bản ROM tùy chỉnh trên Internet. Chúng được nhà phát triển bổ sung tính năng và bản vá bảo mật mới nhất mà vẫn có thể tương thích với máy cũ. Các nền tảng ROM tùy chỉnh phổ biến có LineageOS , Pixel Experience hay ParanoidAndroid.
Tuy nhiên, để cài đặt, người dùng cần có kiến thức và sự kiên nhẫn, cũng như tránh sử dụng ROM từ nguồn trôi nổi vì sẽ khiến máy có thể nhiễm virus hoặc phần mềm độc hại.
Khởi động máy thường xuyên
Một trong những cách dễ nhất giúp cải thiện hiệu suất điện thoại là khởi động lại thiết bị. Hành động này sẽ đóng tất cả tiến trình chạy nền không cần thiết, giúp giải phóng RAM và làm mới tài nguyên hệ thống để điện thoại chạy nhanh hơn.
Người dùng nên khởi động máy bất cứ khi nào có thể, hoặc lên lịch khởi động định kỳ.
Giải phóng bộ nhớ
Theo khuyến cáo của Google, smartphone Android sẽ gặp phải vấn đề về hiệu suất khi chỉ còn dưới 10% dung lượng lưu trữ. Nguyên nhân là khi có ít dung lượng, các app không thể lưu các tệp bộ nhớ đệm (cache) – yếu tố giúp ứng dụng hoạt động nhanh hơn khi truy cập những lần sau nhờ không cần tải lại.
Người dùng Android, nhất là với những máy có bộ nhớ thấp, nên có thói quen thường xuyên loại bỏ tập tin không sử dụng. Các bước thực hiện là vào Cài đặt > Chăm sóc thiết bị > Lưu trữ, sau đó chọn file cần xóa để giải phóng bộ nhớ.
Bộ nhớ cache cũng nên được xóa thường xuyên do lượng dữ liệu đệm ngày một nhiều theo thời gian, bằng cách vào Cài đặt > Ứng dụng và chọn ứng dụng cần xóa cache.
Gỡ ứng dụng lâu không dùng
Trong quá trình sử dụng, người dùng sẽ cài ứng dụng theo nhu cầu. Qua thời gian, số lượng app tăng lên, nhưng nhiều người có thói quen không gỡ chúng vì “sẽ có lúc dùng đến”.
Dù vậy, nhiều ứng dụng có thể chạy ngầm thường xuyên, khiến máy chậm chạp hơn. Theo các chuyên gia, người dùng nên gỡ app nếu không sử dụng sau hơn nửa tháng, khi cần có thể cài lại sau.
Cài đặt phiên bản Lite của ứng dụng
Đa số ứng dụng phổ biến hiện đều có phiên bản rút gọn (Lite), như Facebook Lite hay Messenger Lite. Các bản này thường không sử dụng nhiều tài nguyên khi hoạt động như bản đầy đủ, nên sẽ nhẹ và hoạt động nhanh hơn.
Ngoài ra, khi thấy smartphone chạy quá chậm nhưng chưa tìm ra nguyên nhân, người dùng có thể khôi phục cài đặt gốc cho thiết bị để xóa toàn bộ tập tin, gồm cả phần mềm gián điệp, trojan nếu có. Trước khi thực hiện, cần sao lưu các dữ liệu quan trọng.
Theo sohoa